Khi lập hợp đồng đặt cọc mọi người thường phân vân giữa lập hợp đồng đặt cọc qua công chứng hay hai bên viết tay cho nhau. Vậy hợp đồng đặt cọc có phải công chứng không?
1. Hợp đồng đặt cọc có phải công chứng không?
Hiện tại các văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng đặt cọc không đặt ra vấn đề bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không. Do đó, các bên tham gia ký kết hợp đồng đặt cọc có thể chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng này.
Hiện, hợp đồng đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, đặt cọc là việc mà bên đặt cọc giao một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Có thể hiểu hợp đồng đặt cọc là một dạng hợp đồng “dự bị” để một thời gian sau sẽ thực hiện một giao dịch khác. Lúc này sẽ có các trường hợp sau xảy ra:
Trường hợp 1: Trường hợp hợp đồng được giao kết:
- Tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc
- Tài sản đặt cọc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền
Trường hợp 2: Trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng khi hết thời gian đặt cọc thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.
Trường hợp 3: Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng khi hết thời gian đặt cọc:
- Bên nhận đặt cọc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc
- Trả một số tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc
Ngoài ra, nếu hai bên có thỏa thuận khác thì khi hợp đồng đặt cọc không thực hiện được, hai bên phải thực hiện theo thỏa thuận khác đó.
Như vậy, luật không quy định bắt buộc phải thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như phòng ngừa trường hợp tranh chấp xảy ra, chúng ta nên thực hiện việc công chứng Hợp đồng đặt cọc.
2. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc mới nhất [2023]
Sau khi tìm hiểu được câu trả lời cho vấn đề "hợp đồng đặt cọc có phải công chứng không?" bài viết sẽ giải đáp chi tiết về thủ tục công chứng loại hợp đồng này theo hướng dẫn của Luật Công chứng hiện hành. Cụ thể như sau:
2.1 Hồ sơ chuẩn bị
- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu do tổ chức hành nghề công chứng cung cấp).
- Giấy tờ về người yêu cầu: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn sử dụng; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bản án/quyết định ly hôn…).
- Giấy tờ về tài sản đặt cọc: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, hợp đồng mua bán…
Giấy tờ phải xuất trình là bản sao, có thể có chứng thực hoặc không. Trong quá trình công chứng hợp đồng đặt cọc, người yêu cầu và các bên trong quan hệ đặt cọc phải xuất trình kèm theo bản chính để công chứng viên kiẻm tra, đối chiếu.
2.2 Cơ quan thực hiện
Các bên trong hợp đồng đặt cọc đến tổ chức hành nghề công chứng gồm văn phòng công chứng và phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc.
2.3 Thời gian, trình tự thực hiện
Thời gian công chứng hợp đồng đặt cọc là từ 02 - 10 ngày làm việc. Trong đó, việc kéo dài đến 10 ngày làm việc chỉ áp dụng trong trường hợp đặt cọc có nội dung phức tạp.
Nếu có đủ hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng không bận rộn thì việc công chứng hợp đồng đặt cọc có thể được thực hiện ngay trong ngày làm việc, sau khi công chứng viên nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
2.4 Chi phí phải nộp
Việc công chứng hợp đồng đặt cọc sẽ được tính phí công chứng theo phương pháp căn cứ vào giá trị của hợp đồng, cụ thể là giá trị mà các bên đặt cọc. Theo đó, mức phí công chứng phải nộp là:
STT | Giá trị tiền cọc | Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 | Dưới 50 triệu đồng | 50.000 |
2 | Từ 50 triệu đồng - 100 triệu đồng | 100.000 |
3 | Từ trên 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng | 0,1% số tiền đặt cọc |
4 | Từ trên 01 tỷ đồng - 3 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% phần tiền cọc vượt quá 1 tỷ đồng |
5 | Từ trên 03 tỷ đồng - 5 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% phần tiền cọc vượt quá 3 tỷ đồng |
6 | Từ trên 05 tỷ đồng - 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% phần tiền cọc vượt quá 5 tỷ đồng |
7 | Từ trên 10 tỷ đồng - 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% phần tiền cọc vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 | Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% phần tiền cọc vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
3. Giá trị pháp lý của hợp đồng qua công chứng
Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị của văn bản công chứng. Theo đó, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Sau khi có yêu cầu công chứng, công chứng viên phải kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ tùy thân, giấy tờ về tài sản… rồi chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Cũng theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2014, các loại hợp đồng, giao dịch khi được công chứng sẽ có giá trị như một chứng cứ và không phải chứng minh các sự kiện, tình tiết trong đó trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, một hợp đồng, giao dịch khi qua công chứng thì sẽ được ghi nhận và bảo đảm về mặt nội dung, hình thức cũng như tính pháp lý của văn bản đó.
Trên đây là giải đáp chi tiết vấn đề: Hợp đồng đặt cọc có phải công chứng không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.