Những loại thuế hộ kinh doanh phải nộp 2018

Hộ kinh doanh là một trong những mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay. Vậy từ khi thành lập, hộ kinh doanh phải nộp những loại thuế, lệ phí nào?

Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê sơ bộ vào cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể và không ngừng phát triển từng ngày. Dưới đây là một số loại thuế hộ kinh doanh phải nộp trong quá trình hoạt động.

1. Lệ phí môn bài

Theo Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh được quy định như sau:

Doanh thu

Mức lệ phí môn bài

Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm

1 triệu đồng

Doanh thu trên 300– 500 triệu đồng/năm

500.000 đồng

Doanh thu trên 100 – 300 triệu đồng/năm

300.000 đồng

Doanh thu từ 100 triệu trở xuống

Miễn lệ phí


Trường hợp hộ kinh doanh có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm. Nếu mới thành lập thì hộ kinh doanh nộp lệ phí môn bài chậm nhất vào ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.

Hộ kinh doanh phải nộp những loại thuế nào?

Những loại thuế hộ kinh doanh phải nộp 2018​? (Ảnh minh họa)

2. Thuế giá trị gia tăng

Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định loại thuế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, nếu hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không chịu thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng sẽ phải nộp thuế giá tri gia tăng, trừ trường hợp sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng không chịu thuế được quy định tại Điều 5 của Luật, như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ; Kinh doanh ngoại tệ; Dạy học, dạy nghề…

Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất. Trong đó, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ biến hiện nay là 10%.

3. Thuế thu nhập cá nhân

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, đối tượng nộp loại thuế này là cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thu nhập phải chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ trúng thưởng…

Trong khi đó, theo Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, cá nhân kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu một năm trên 100 triệu đồng.

Ngoài 3 loại thuế, phí cố định nêu trên, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu các loại thuế này.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục