Cuối 2018, vốn điều lệ EVN hơn 205 nghìn tỷ

Vốn điều lệ của EVN đến hết năm 2018 là 205.390 tỷ đồng. Bộ Tài chính có nghĩa vụ bổ sung đủ vốn điều lệ cho EVN sau khi Thủ tướng quyết định định mức vốn điều lệ đối với EVN…

Liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn.

Theo Nghị định này, EVN là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN đã được ban hành tại Nghị định 26/2018/NĐ-CP

Vốn điều lệ của EVN đến hết năm 2018 là 205.390 tỷ đồng. Việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính có nghĩa vụ bổ sung đủ vốn điều lệ cho EVN sau khi Thủ tướng quyết định định mức vốn điều lệ đối với EVN. Ngoài ra, Hội đồng thành viên EVN có nghĩa vụ đầu tư đủ vốn điều lệ đối với công ty con 100% vốn do EVN quyết định thành lập.

Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của EVN gồm: Hội đồng thành viên EVN; Tổng Giám đốc EVN; Các Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng; Ban kiểm soát và Kiểm soát viên; Bộ máy giúp việc của EVN.

Nghị định 26/2018/NĐ-CP quy định chức năng chủ yếu của EVN, gồm: Tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động của phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục và đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Tiến hành các hoạt động đầu tư, ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, EVN có chức năng trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN; Đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con trên cơ sở tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; Thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của EVN tại các công ty con, công ty liên kết…

Nghị định 26 cũng nêu rõ, ngành nghề kinh doanh chính của EVN là: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; Chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện…

EVN chịu sự quản lý Nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục