Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là việc người lao động hoặc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng không đúng theo quy định pháp luật.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật (Ảnh minh họa)
Nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật
* Đối với người sử dụng lao động
Bao gồm các nghĩa vụ liên quan đến việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động và đền bù các tổn hại về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động theo Điều 42 Bộ luật Lao động 2012.
- Nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động
Phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết, tức là khôi phục lại quan hệ lao động.
- Nghĩa vụ đền bù về vật chất và tinh thần
+ Trước hết, phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc.
+ Bên cạnh đó, phải đền bù tổn thất về tinh thần cho người lao động với mức thấp nhất là 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
+ Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc (không yêu cầu người sử dụng lao động nhận trở lại làm việc), thì người sử dụng lao động còn phải trả thêm trợ cấp thôi việc cho người lao động.
+ Trường hợp không muốn nhận lại và được sự đồng ý của người lao động thì ngoài khoản tiền đền bù tổn thất về tinh thần và trợ cấp thôi việc, còn phải bồi thường thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng.
+ Trường hợp không còn công việc đã giao kết theo hợp đồng mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài các khoản tiền trong những ngày không được làm việc và tiền bù đắp tổn hại về tinh thần, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
+ Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Trên thực tế, việc xác định nghĩa vụ của người sử dụng lao động như thế nào còn phụ thuộc vào yêu cầu của người lao động.
* Đối với người lao động
Khác với nghĩa vụ của người sử dụng lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động chỉ có nghĩa vụ đền bù những tổn hại về vật chất theo Điều 43 Bộ luật Lao động 2012:
+ Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
+ Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
+ Trường hợp người lao động được đào tạo thì phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể có thể bao gồm: chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành,…
Dù là bên nào trong quan hệ lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì đều để lại những tổn thất cho bên còn lại. Nghĩa vụ bồi thường hay bù đắp những tổn thất đó đều không thể tránh khỏi.
Xem thêm:
Mẫu Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và thông tin liên quan
Quyền lợi người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng
“Nhảy việc” sau tết sao cho đúng luật?
Nghỉ thai sản có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?