Hành vi nào bị cấm trong an toàn, vệ sinh lao động?

An toàn lao động, vệ sinh lao động là việc làm cần thiết. Để bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan không được phép thực hiện những hành vi bị cấm trong công tác an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định cụ thể 07 hành vi bị cấm trong an toàn vệ sinh lao động, cụ thể:

1 - Về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Cấm người sử dụng lao động:

- Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

- Buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động;

- Buộc người lao động tiếp tục làm việc khi nguy cơ xảy ra tai nạn lao động chưa được khắc phục.

Không thực hiện các hành vi bị cấm trong an toàn vệ sinh lao động (Ảnh minh họa)

2 - Về đóng bảo hiểm

Người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm không được:

- Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

- Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật;

- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3 - Về sử dụng máy, thiết bị, vật tư

Người sử dụng lao động không được sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong một số trường hợp:

- Không được kiểm định;

- Kết quả kiểm định không đạt yêu cầu;

- Không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;

- Hết hạn sử dụng;

- Không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (Ảnh minh họa)

4 - Về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

Doanh nghiệp, cơ sở có chức năng trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động bị cấm:

- Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa;

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

5 - Về phân biệt đối xử

Người sử dụng lao động đặc biệt bị cấm nếu thực hiện hành vi phân biệt đối xử:

- Về giới;

- Vì lý do người lao động từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động;

- Vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.

6 - Về kỹ năng của lao động

Cấm doanh nghiệp sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

7 - Về phương thức chăm sóc sức khỏe người lao động

Pháp luật cấm người sử dụng lao động trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Cá nhân, tổ chức có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các điều cấm của pháp luật. Việc làm này không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động mà còn bảo đảm tài sản, của cải cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Chính vì vậy, những trường hợp vi phạm sẽ phải chịu những chế tài thích đáng.

Xem thêm:

Luật An toàn vệ sinh lao động và 8 điểm đáng chú ý năm 2018

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục