Chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở được UBND Thành phố Hà Nội đề cập đến từ lâu, nhưng giờ đây đang làm dấy lên nhiều nỗi băn khoăn và lo lắng.
Xây dựng bến xe Yên Sở rộng 3,35ha
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định 519/QĐ-UBND năm 2016, bến xe khách Yên Sở sẽ được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, rộng 3,35ha.
Chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở một lần nữa được UBND Thành phố đề cập đến tại Quyết định 10/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quận Hoàng Mai. Theo đó, bến xe Yên Sở sẽ được xây dựng theo cấu trúc bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe và trung tâm dịch vụ sửa chữa, do công ty cổ phần Bến xe Thanh Trì làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, tại Đồ án Quy hoạch bến bãi đỗ xe do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng lập, đang được thẩm định, bến xe này được quy hoạch là một bến xe liên tỉnh trung hạn và có khả năng giảm tải cho 03 bến xe hiện tại của Thành phố là bến xe Giáp Bát, Nước ngầm và Gia Lâm.
Sắp có thêm một bến xe mới, Hà Nội lại thêm ùn tắc? (Ảnh minh họa)
Nỗi lo ùn tắc nghiêm trọng hơn
Trước dự kiến về việc xây dựng bến xe Yên Sở, nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng sẽ làm giảm thiểu áp lực xe khách từ hướng nội thành lưu thông ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Thanh Trì, Quốc lộ 5...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc duy trì 03 bến xe khách liên tỉnh liền kề nhau (Giáp Bát - Nước Ngầm - Yên Sở) là một bất cập. Trên tuyến đường vành đai này vốn đã có mật độ giao thông cao, nay lại thêm một bến xe khách thì viễn cảnh ùn tắc nghiêm trọng và liên tục tại đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chưa kể, theo kế hoạch dài hạn, các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm hay Mỹ Đình có thể đều phải di dời ra ngoài vành đai 4; các bến xe hiện tại sẽ chuyển thành bến xe bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe bus và chỉ phục vụ vận tải hành khách nội đô. Do đó, việc xây dựng một bến xe liên tỉnh mới ngay trong nội đô - nơi các bến xe lớn khác vừa phải di dời được cho là vô lý và không công bằng.
LuatVietnam