Hà Nội có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 17 ở nơi nguy cơ cao

Sáng 28/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đồng chủ trì họp trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp của TP. Hà Nội.

29 chốt kiểm soát với trên 4.000 cảnh sát khu vực tham gia

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu việc tối 27/7, Thường trực Thành ủy đã có kết luận, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và đánh giá cho thấy Thành phố đã nhận định đúng tình hình, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7. Đây là quyết sách đúng và trúng mà theo phản ánh từ cơ sở, nhân dân rất đồng tình và ủng hộ.

Tuy nhiên, sau 04 ngày triển khai, kết quả kiểm tra cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là; có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát...

Do đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để chấn chỉnh; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá toàn diện và bảo đảm thực hiện đúng, thực hiện đủ từng nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND; lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, quá trình triển khai trong 04 ngày qua, các ngành đã hội ý nhanh, giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc tạo “luồng xanh” cho xe chở hàng hóa thiết yếu; hoạt động của đội ngũ giao hàng (shipper); thi công các công trình trọng điểm, người thực hiện công vụ ra vào Thành phố...

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an TP. Hà Nội đã lập 29 chốt kiểm soát phương tiện và dịch bệnh cửa ngõ Thủ đô, đã đôn đốc 4.147 cảnh sát khu vực quản lý chặt cư trú, phát hiện kịp thời người từ tỉnh ngoài về (số này phát hiện ít đã được quản lý chặt), kiểm soát người có hộ khẩu Hà Nội nhưng từ tỉnh ngoài về, lập danh sách báo cáo hằng ngày.

Công an TP. Hà Nội đã huy động 789 tổ công tác ở công an các quận, huyện để tăng cường kiểm tra vi phạm và xử lý 1.359 trường hợp vi phạm ra ngoài không đúng mục đích thiết yếu, không đeo khẩu trang, tập thể dục và 32 cơ sở không được phép kinh doanh…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, các quận/huyện chủ động bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định.

Về việc thực hiện cấp thẻ đi chợ cho người dân, bà Trần Thị Phương Lan cho biết đây là việc mới để thực hiện bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu chợ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sở Công Thương khuyến khích các địa phương triển khai việc này để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người.

Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết để khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc, phiếu cho người dân quy định theo ngày chẵn, lẻ; giãn giờ đi chợ để thực hiện tốt.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, Thành phố đang quyết tâm tận dụng thành công, hiệu quả nhất 15 ngày để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch còn lâu dài, không chỉ 15 ngày giãn cách xã hội, nên Thành phố phải có kế hoạch, kịch bản lâu dài để nắm thế chủ động; trước mắt cần phân công lại công việc của lực lượng tuyến đầu cho hợp lý hơn, tập trung đúng vào nhiệm vụ, chức năng chính; vừa giảm tải vừa bảo đảm hiệu quả.

Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 17 nơi có nguy cơ cao
Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 17 nơi có nguy cơ cao (Ảnh minh họa)


Siết chặt phòng dịch khu công nghiệp, chợ, siêu thị...

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về người đứng đầu các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố và UBND Thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, phạm vi, lĩnh vực phụ trách.

Các kế hoạch, phương án phòng dịch phải đi vào cuộc sống, qua việc bám sát địa bàn, điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc của Chỉ thị 17/CT-UBND; gắn với kiểm tra giám sát đột xuất, kiểm điểm trách nhiệm chỉ đạo, chấp hành chưa nghiêm túc, khen thưởng cách làm tốt, mô hình hay...

UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố, “chia lửa” với lực lượng công an cả trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như huy động lực lượng quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ COVID-19 cộng đồng, các tình nguyện viên...

Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để nhiều người dân vi phạm quy định, để cơ quan, đơn vị, tổ chức không tuân thủ quy định về số lượng người đi làm và các quy định an toàn phòng dịch trong Chỉ thị số 17/CT-UBND. Việc kiểm tra, giám sát phải được làm cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Lưu ý các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh phải bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND đối với địa bàn có nguy cơ cao, đây là thẩm quyền đã được Thành phố phân cấp cụ thể.

Theo Baochinhphu

>> Hà Nội công khai danh sách địa điểm bán lương thực, thực phẩm

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục