Giấy mời và Giấy triệu tập khác nhau thế nào?

Khi nhận được giấy triệu tập từ cơ quan Nhà nước, người dân thường có tâm lý e ngại, áp lực hơn rất nhiều so với giấy mời thông thường. Việc sử dụng giấy mời, giấy triệu tập vẫn còn rất tùy tiện, lẫn lộn mặc dù bản chất hai loại giấy này hoàn toàn khác nhau.


Giấy triệu tập được gửi cho ai?

Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Giấy triệu tập được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng sau:

- Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm khoản 3 Điều 61).

- Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (điểm a khoản 3 Điều 61).

- Bị hại: Là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 4 Điều 62).

- Nguyên đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 3 Điều 63).

- Bị đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 3 Điều 64).

- Người làm chứng: Là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 4 Điều 66).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Người giám định, Người định giá tài sản, Người phiên dịch, người dịch thuật cũng đều có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Cũng là người tham gia tố tụng nhưng người chứng kiến chỉ có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thay vì theo giấy triệu tập như các đối tượng trên.

Giấy mời và Giấy triệu tập khác nhau thế nào?

Giấy mời và Giấy triệu tập hoàn toàn khác nhau (Ảnh minh họa)


Nghĩa vụ của người dân khi nhận được giấy mời

Thực tế, rất nhiều trường hợp ngay khi có đơn tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm là lập tức những đối tượng bị tình nghi, người làm chứng bị triệu tập. Điều này là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong trường hợp này, điều tra viên dùng giấy mời công dân đến làm việc.

Có thể hiểu giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan điều tra, tòa án… mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc/vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc/vụ án.

Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu có thời gian và hoàn cảnh cho phép, khi nhận được giấy mời của cơ quan chức năng người dân nên có mặt để biết rõ hơn tại sao và liên quan thế nào tới vụ việc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra hoặc làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời.

Như vậy, chỉ khi đã khởi tố vụ án, xác định rõ tư cách tham gia tố tụng thì mới được triệu tập đối với bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng… sẽ mang tính bắt buộc thực hiện. Nhất là đối với bị can, bị cáo mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục