“Giải phóng mặt bằng là gì? Quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng thế nào?” là vấn đề mà nhiều người dân quan tâm nhưng không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan. Bài viết dưới đây của LuatVietnam sẽ làm rõ vấn đề này.
1. Giải phóng mặt bằng là gì?
Giải phóng mặt bằng là quá trình thực hiện các công việc liên quan đến việc di dời nhà cửa, cây cối, công trường và một bộ phận dân cư đến một phần đất cụ thể được chỉ định để phục vụ cho việc cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng công trình mới trên đó.
Quá trình giải phóng mặt bằng được thực hiện khi nhà nước có quyết định thu hồi đất trong các trường hợp như:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Giải phóng mặt bằng là một quá trình phức tạp và có thể kéo dài bởi tranh chấp, do đó cần phải cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và người dân.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi đất giải phóng mặt bằng?
Bên cạnh vấn đề "giải phóng mặt bằng là gì?", người dân cũng đặc biệt quan tâm đến thẩm quyền thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Căn cứ Điều 66 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền thu hồi đất được quy định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương):
+ Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn nhưng thu hồi đất sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
- Ủy ban nhân dân cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương):
+ Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định thuộc thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đối tượng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi.
Theo đó, thẩm quyền thu hồi đất giải phóng mặt bằng thống nhất với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo từng đối tượng sử dụng đất cụ thể nêu trên.
3. Quy trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng thế nào?
Sau khi đã hiểu rõ giải phóng mặt bằng là gì, người có đất bị thu hồi cần nắm rõ quy trình giải phóng mặt bằng. Theo Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thực hiện như sau:
Bước 1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm
- UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.
- UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
- Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bước 2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Bước 3. Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường
- UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm:
+ Phối hợp với UBND cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
+ Gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi.
- Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.
Bước 4. Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.
4. Điều kiện hộ gia đình, cá nhân được bồi thường khi bị thu hồi đất
Căn cứ Điều 75 Luật Đất đai 2013 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sẽ được bồi thường khi có đủ các điều kiện sau:
- Đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Sổ đỏ mà chưa được cấp, trừ trường hợp đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có sổ đỏ hoặc không đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ.
Bên cạnh đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có sổ đỏ hoặc có đủ điều kiện được cấp sổ và chưa được cấp cũng được bồi thường.
Xem thêm: Điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất với các đối tượng khác
Trên đây là các giải đáp liên quan đến Giải phóng mặt bằng là gì. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.