Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề. Hàng năm cứ vào thời điểm này, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân lại tăng cao. Đây cũng là dịp các tiểu thương lợi dụng nâng giá, găm hàng. Đáng chú ý, các loại hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng nhân cơ hội này tấn công thị trường.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa cuối năm. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón 14 cơn bão, trong đó có những cơn bão đi qua để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân và nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Trước tình hình này, để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tại Chỉ thị này, Bộ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; Chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Hình ảnh minh họa |
Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, vào ngày 10/11/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 15259/BTC-QLG. Tại đây, Bộ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá; Rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn thị trường; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.
Để tìm hiểu thêm về những nội dung được nêu trong bài, bạn đọc tham khảo: