Gia đình nữ sinh giao gà kháng cáo, 6 bị cáo có còn bị tử hình?

Ngày 10/01 vừa qua, bố nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên vừa có đơn kháng cáo đề nghị không tử hình 06 bị cáo trong vụ án này. Vậy, nếu gia đình nạn nhân kháng cáo thì những bị cáo này còn bị tử hình nữa không?


3 nội dung kháng cáo của gia đình nạn nhân

Vụ án nữ sinh giao gà từng gây rúng động dư luận hồi đầu năm 2019 mới đây đã được đem ra xét xử lưu động vào ngày 26/12/2019. Sau 04 ngày xét xử và nghị án, ngày 29/12, Hội đồng xét xử đã tuyên án 09 bị cáo liên quan với các mức:

- Vì Văn Toán, Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả: Tổng hình phạt đối với từng bị cáo là tử hình;

- Phạm Văn Dũng: 10 năm tù;

- Cầm Văn Chương: 09 năm tù;

- Bùi Thị Kim Thu: 03 năm tù.

Tuy nhiên, đến sáng 13/01, bố của nạn nhân cho biết gia đình ông đã có đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội với 03 nội dung chính:

- Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm;

- Kháng cáo về việc bỏ lọt tội phạm, chưa làm rõ động cơ, mục đích phạm tội;

- Kháng cáo đề nghị không tử hình 06 bị cáo trong vụ án.

Theo ông Hường (bố của nữ sinh giao gà), lý do để gia đình ông kháng cáo là vụ án này và vụ bà Trần Thị Hiền (mẹ nạn nhân) mua bán trái phép chất ma túy đều chưa được làm rõ, còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo. Do đó, nếu tử hình 06 bị cáo này thì 02 vụ án sẽ đi vào ngõ cụt.

gia đình nữ sinh giao gà kháng cáo

Gia đình nữ sinh giao gà kháng cáo, 6 bị cáo có còn bị tử hình? (Ảnh minh họa)

Người nhà nạn nhân kháng cáo, bị cáo còn bị tử hình không?

Vậy, liệu một vụ án hình sự có đơn kháng cáo của nạn nhân thì các bị cáo trước đó đã bị tuyên án tử hình có được miễn án tử không?

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Khi đó, vụ án phải được xét xử phúc thẩm.

Xét xử phúc thẩm được giải thích là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị (Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Theo đó, nếu có kháng cáo với toàn bộ bản án như trong vụ án này thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành.

Do đó, có thể thấy, nếu gia đình nạn nhân có đơn kháng cáo, sau khi xem xét, kiểm tra tính hợp lệ thì Tòa án có thẩm quyền sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Như vậy, không phải khi người nhà nạn nhân kháng cáo thì các bị cáo sẽ không còn phải chịu án tử hình nữa. Khi xét xử phúc thẩm, căn cứ vào các chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án sẽ đưa ra bản án phúc thẩm một cách công bằng, đúng người, đúng tội.

>> Phân biệt kháng cáo, kháng nghị trong vụ án hình sự

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục