Gạ tình hiểu theo nghĩa thông dụng là những lời nói, cử chỉ hướng vào sự khác biệt giới tính với ý đồ không lành mạnh. Hành vi này còn có thể được gọi là “quấy rối tình dục”.
Chưa có chế tài đối với quấy rối tình dục
Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 coi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em… là những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng, với hành vi quấy rối tình dục hay còn gọi là gạ tình thì chưa có quy định cụ thể nào.
Quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh vì hầu như không để lại sự thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề. Có thể đây là một trong những lý do khiến quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự như một tội danh.
Tuy nhiên, nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm.
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về xử phạt hành vi quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)
Nghiêm cấm quấy rối tình dục nơi làm việc
Tại Bộ luật Lao động, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là quấy rối tình dục nơi làm việc. Đồng thời, Bộ luật này cũng cho phép người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp bị quấy rối tình dục và chỉ cần báo cho người sử dụng lao động biết trước 3 ngày.
Riêng với người giúp việc gia đình - đối tượng có nguy cơ bị quấy rối tình dục khá cao, Bộ luật Lao động 2012 yêu cầu người giúp việc gia đình phải tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người thuê có hành vi quấy rối tình dục. Điều này được quy định như một nghĩa vụ của người giúp việc gia đình để tự bảo vệ mình.
Hiện tại, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc ở Việt Nam.
Bộ Quy tắc này quy định: Quấy rối tình dục là hành vi có tình chất tình dục, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu.
Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: Quấy rối thể chất (cố tình đụng chạm…); Quấy rối lời nói (nhận xét không phù hợp, có ngụ ý về tình dục); Quấy rối phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)…
Xem thêm:
Bộ luật Hình sự: 9 nội dung nổi bật áp dụng từ 2018
LuatVietnam