Gọi ngay đường dây nóng này nếu thấy CSGT xử phạt sai

Thực tế không hiếm gặp trường hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vi phạm sai quy định hoặc vòi vĩnh nhưng nhiều người dân và tài xế không biết gọi cho cơ quan nào để phản ánh. Vậy có những số điện thoại nóng nào để phản ánh các vụ việc liên quan đến CSGT?


Đường dây nóng khiếu nại Cảnh sát giao thông

Theo thông tin được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, việc tiếp nhận tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT được thực hiện qua số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an: 06923.42593.

Lưu ý: Đây là số điện thoại cố định nên sẽ không thể tiếp nhận tin nhắn phản ánh từ phía người dân. Vì vậy người dân nếu muốn khiếu nại Cảnh sát giao thông cần gọi điện trực tiếp đến số điện thoại 06923.42593 để kịp thời phản ảnh những bức xúc của mình.

Ngoài ra, mọi người dân cũng có thể phản ánh các thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông qua số điện thoại trực ban của Cục Cảnh sát giao thông, điện thoại cố định: 06923.42608 hoặc số điện thoại di động: 0995.67.67.67.

Đường dây nóng khiếu nại Cảnh sát giao thông

Đường dây nóng khiếu nại Cảnh sát giao thông (Ảnh minh họa)


Người dân có thể khiếu nại trực tiếp hoặc bằng đơn

Khi có căn cứ cho rằng việc xử lý vi phạm của CSGT là không đúng quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị xử lý có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

Nội dung này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Việc khiếu nại có thể tiến hành trực tiếp hoặc khiếu nại qua đơn theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011:

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận.

Xem hướng dẫn khiếu nại trực tiếp hoặc bằng đơn tại đây.


Có khiếu nại, vẫn phải nộp phạt trước

Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Nếu có khiếu nại với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp người giải quyết khiếu nại, khởi kiện đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt.

Do đó, dù không đồng ý với quyết định xử phạt của CSGT và có khiếu nại nhưng người bị xử lý vi phạm vẫn phải nộp phạt trước. Sau đó nếu xác định được biên bản vi phạm giao thông đã lập là trái luật thì cán bộ, chiến sỹ CSGT lập biên bản phải chịu trách nhiệm, xin lỗi người vi phạm, đồng thời người nộp phạt sẽ được hoàn lại tiền.

Với thông tin về đường dây nóng khiếu nại Cảnh sát giao thông, bạn đọc có thêm cách thức để khiếu nại CSGT bên cạnh việc khiếu nại trực tiếp hoặc bằng đơn đến cơ quan có thẩm quyền.

Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục