Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) được coi là vật “bất ly thân” để giảm gánh nặng chi trả từ túi tiền của mỗi người khi đi khám, chữa bệnh. Vậy một người có được dùng thẻ BHYT của người khác không?
Sử dụng thẻ BHYT của người khác, có thể bị phạt tù
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Bảo hiểm y tế 2008 thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ. Cùng với đó, khoản 2 Điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:
- Từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại quỹ BHYT.
- Từ 01 - 02 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại quỹ BHYT.
Dùng thẻ BHYT của người khác, có thể bị phạt tù (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, từ 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ mức phạt khi dùng thẻ BHYT của người khác tại Điều 215 như sau:
- Sử dụng thẻ BHYT của người khác khám, chữa bệnh để hưởng chế độ BHYT trái quy định, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 - 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 - 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
- Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100 - 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 - 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm.
- Chiếm đoạt tiền BHYT hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 05 - 10 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì người sử dụng thẻ BHYT sai quy định phải:
- Hoàn trả số tiền đã được quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
- Hoàn trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Như vậy, trong mọi trường hợp, hành vi dùng thẻ BHYT của người khác để khám, chữa bệnh đều không được pháp luật cho phép, nếu cố tình vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự về mức vi phạm của mình.
Xem thêm:
Các trường hợp không được hưởng BHYT 2018
Mức hưởng BHYT khi khám, chữa bệnh vượt tuyến 2018
Lý do thẻ BHYT không còn ghi hạn sử dụng
Lương cơ sở tăng, mức đóng và hưởng BHYT thay đổi thế nào?
Hướng dẫn mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
LuatVietnam