(LuatVietnam) Tùy vào mức tiền đưa cho cảnh sát giao thông, người dân có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ.
Tình trạng người dân đưa tiền cho cảnh sát giao thông để bỏ qua lỗi vi phạm, thay vì bị xử phạt theo đúng quy trình vẫn thường xuyên và liên tục diễn ra. Mới đây nhất, trên mạng xã hội lan truyền clip cảnh sát giao thông Hà Nội nhận tiền mãi lộ của người vi phạm. Phòng cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) ngay sau đó đã lập tổ công tác kiểm tra, xác minh vụ việc.
Với người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, hành vi đưa tiền cho cảnh sát giao thông, nếu bị phát hiện, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đưa tiền cho cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt (Ảnh minh họa)
Điểm c, khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội đưa hối lộ như sau: Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 - 100 triệu đồng để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm…
Như vậy, trường hợp mức tiền người dân hối lộ cho cảnh sát giao thông từ 02 triệu đồng trở lên thì cấu thành Tội đưa hối lộ và bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp số tiền hối lộ dưới 02 triệu đồng, dù chỉ là 100.000 đồng hay 200.000 đồng, người dân vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Xem thêm:
Phân biệt tội tham ô và tội nhận hối lộ
12 quy định của Luật Giao thông đường bộ ai cũng cần biết
LuatVietnam