Đốt vàng mã có bị cấm?
Đốt vàng mã là phong tục tập quán của người Việt có từ xa xưa. Hiện nay, việc đốt vàng mã không chỉ là tiền, vàng bằng giấy, mà thay bằng những thứ của thời hiện đại như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, tiền đô la...Nhiều gia đình, cá nhân đã bỏ tiền triệu để mua đồ mã để cúng lễ rồi đốt gây ô nhiễm môi trường, có thể dẫn tới cháy nổ.
Để hạn chế tối đa những tiêu cực của việc đốt vàng mã, pháp luật hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính với người có hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích với – hình thức thạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng (Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).
Như vậy, có thể thấy, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, không có quy định về cấm đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung cũng tại nhà.
Đốt vàng mã thế nào cho văn minh, hợp pháp? (Ảnh minh họa)
Người dân cần đốt vàng mã văn minh và đúng luật
Với quan niệm đốt vàng mã vì "trần sao, âm vậy", nên nhiều trường hợp đốt vàng mã là sự tốn kém, lãng phí không đáng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng do nguy cơ cháy, nổ từ lò đốt đồ mã luôn rình rập.
Do vậy, để bảo đảm sự tiết kiệm, văn minh và đúng với tinh thần “báo hiếu người âm” thì người dân cần hạn chế tối đa việc đốt vàng mã cũng như số lượng đồ mã và kinh phí mua sắm đồ mã.
Tuy nhiên, hiện tượng đốt vàng mã và những tiêu cực của nó vẫn tồn tại do đây là một quan niệm dân gian có từ lâu đời, nên khó có thể bỏ ngay, cần phải có thời gian tuyên truyền, vận động liên tục cho người dân, nhất là tại các cơ sở thờ tự, văn hóa trong dịp Tết đến xuân về.
Xem thêm:
Cấm đốt vàng mã - Luật có nhưng chưa đủ
Khắc Niệm