Thế nào là đóng tài khoản, khóa tài khoản, phong tỏa tài khoản?

Hãy theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ thế nào là đóng tài khoản, khóa tài khoản và phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật.


1. Trường hợp nào tài khoản bị đóng, tạm khóa, phong tỏa?

Đối với tạm khóa tài khoản thanh toán

Theo Điều 16 Thông tư 23/2014/TT-NHNN, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán (hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp) hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Đối với đóng tài khoản thanh toán

Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện việc đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Thông tư 23/2014, sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN:

- Có văn bản yêu cầu đóng tài khoản thanh toán của chủ tài khoản và chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.

Trường hợp chủ tài khoản là người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc đóng tài khoản  thực hiện theo yêu cầu của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật.

- Chủ tài khoản là cá nhân bị chết hoặc bị tuyên bố là đã chết, bị mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Tổ chức có tài khoản chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Chủ tài khoản vi phạm cam kết hoặc các thỏa thuận tại hợp đồng về mở và sử dụng tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đối với phong tỏa tài khoản tài khoản thanh toán

Theo Điều 17 Thông tư 23/2014, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp:

- Có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thanh toán phát hiện ra có nhầm lẫn, sai sót;

- Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp tài khoản thanh toán chung.

dong tai khoan khoa tai khoan phong toa tai khoanThế nào là đóng tài khoản, khóa tài khoản, phong tỏa tài khoản?​ (Ảnh minh họa)

2. Gửi tiền vào tài khoản bị đóng, tạm khóa có nhận được không?

Khi đóng hoặc tạm khóa tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản sẽ không thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào do tài khoản không còn hoạt động trên hệ thống.

Nếu tìm kiếm các tài khoản này để gửi tiền, hệ thống ngân hàng sẽ báo không tìm thấy tài khoản nhận hoặc tài khoản nhận đã bị khóa.

Vì vậy, người khác sẽ không thể gửi tiền và chủ tài khoản cũng không thể nhận tiền vào các tài khoản đã bị đóng hoặc tạm khóa.

3. Tài khoản bị đóng, tạm khóa: mở lại thế nào?

Việc đóng, tạm khóa tài khoản do khách hàng tự yêu cầu có thể được mở lại theo các bước sau:

Bước 1: Mang theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và đến chi nhánh ngân hàng nơi đã đăng ký mở thẻ.

Bước 2: Đến quầy giao dịch và điền vào Mẫu giấy mở lại tài khoản.

Bước 3: Nhân viên kiểm tra thông tin tài khoản để kích hoạt và mở lại tài khoản.

Sau khi mở lại tài khoản bị đóng, tạm khóa, khách hàng có thể thực hiện giao dịch bình thường.

4. Điều kiện gì để chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán?

Tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 23/2014 quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán khi có một trong các điều kiện:

- Khi đã kết thúc thời hạn phong tỏa;

- Khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán;

- Tổ chức cung ứng dịch vụ đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn về chuyển tiền;

- Có thông báo bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản chung về việc đã giải quyết được tranh chấp về tài khoản thanh toán.

Trên đây là giải thích thế nào là đóng tài khoản, khóa tài khoản, phong tỏa tài khoản? Nếu có thắc mắc về bài viết, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục