Người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng một số chế độ nhất định, Nếu đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản?
Các khoản tiền được hưởng theo chế độ thai sản
Tiền trợ cấp thai sản
Theo Điều 38 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được nhận khoản trợ cấp này.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP), tức tiền trợ cấp thai sản là 2,78 triệu đồng.
Lao động nữ sinh con từ ngày 01/07/2019, tiền trợ cấp thai sản được hưởng là 2,98 triệu đồng, do lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (Nghị quyết 70/2018/QH14)
Tiền hưởng chế độ thai sản
Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mỗi tháng nghỉ lao động nữ sinh con được hưởng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ sinh.
Tiền dưỡng sức sau sinh
Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày, lao động nữ được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Có được hưởng chế độ thai sản khi đóng BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)
Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản?
Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ của BHXH như sau:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
+ Ốm đau;
+ Thai sản;
+ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Hưu trí;
+ Tử tuất.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
+ Hưu trí;
+ Tử tuất.
Theo đó, BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 2 chế độ, hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản.
Như vậy, để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và đáp ứng các điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Xem thêm:
Hướng dẫn tính tiền thai sản 2019
Hậu Nguyễn