Có tư cách pháp nhân là gì?
Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau:
- Phải được thành lập theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận;
- Phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ: là cấu trúc nội tại bên trong bao gồm các cơ quan lãnh đạo, bộ phận chuyên môn của tổ chức, đảm bảo cho tổ chức có khả năng thực tế để hoạt động và điều hành đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động pháp nhân;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.
Tức là pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và trong giới hạn tài sản đó.
Năng lực trách nhiệm pháp nhân gọi là trách nhiệm hữu hạn, trừ trường hợp ngoại lệ là các công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn.
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không? (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân không?
Về tính độc lập của tài sản:
Theo Điều 81 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định.
Đối chiếu với Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tăng hoặc giảm số vốn đầu tư bất cứ lúc nào. Đồng nghĩa vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng có thể được chủ doanh nghiệp tư nhân sử dụng như tài sản cá nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình, không chỉ dừng lại ở số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.
Về tính độc lập trong các quan hệ pháp luật:
Trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Cụ thể, khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 có nêu, chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
Như vậy, có thể kết luận: Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, bởi lẽ:
- Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
- Trong quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng tài. Doanh nghiệp tư nhân không được độc lập nhân danh mình để tham gia.
Thế nào là doanh nghiệp tư nhân?
Đặc tính cơ bản của doanh nghiệp tư nhân
Hậu Nguyễn