Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, có khoảng hơn 7.700 doanh nghiệp phá sản trong 7 tháng đầu năm 2018. Như vậy, trung bình có đến hơn 300 doanh nghiệp phá sản mỗi ngày. Doanh nghiệp phá sản kéo theo nỗi lo về tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động.
Doanh nghiệp nợ lương, người lao động được yêu cầu phá sản
Khi tình hình kinh tế khó khăn, tiền lương của người lao động trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động triền miên và gần như không có khả năng chi trả. Cuộc sống của người lao động cũng vì thế mà trở nên chật vật, khốn khó.
Theo khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014, người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương mà doanh nghiệp không trả. Trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cần phải có nội dung về tổng số tiền lương mà doanh nghiệp không trả cho người lao động.
Một doanh nghiệp bị coi là phá sản là khi mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Doanh nghiệp nợ lương, người lao động được yêu cầu phá sản (Ảnh minh họa)
Khi doanh nghiệp phá sản, lương người lao động trả thế nào?
Ngay cả khi doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, quyền lợi của người lao động vẫn được pháp luật bảo đảm, trong đó có cả quyền lợi về tiền lương, về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Khoản 4 Điều 47 của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 quy định, khi doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động được ưu tiên thanh toán.
Trong khi đó, theo Điều 54 của Luật Phá sản 2014, tài sản của doanh nghiệp phá sản sẽ được phân chia theo các thứ tự sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ.
Như vậy, tiền lương của người lao động thuộc hàng ưu tiên thanh toán thứ hai, sau khi doanh nghiệp phá sản bán thanh lý các tài sản hiện có.
LuatVietnam