Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường cháy, nổ trong trường hợp nào?

Chỉ trong vòng chưa đầy 01 tháng, liên tiếp những vụ cháy lớn đã xảy ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù có mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng có những trường hợp trách nhiệm bảo hiểm sẽ được loại trừ.

Để đảm bảo những yêu cầu tối thiểu về công tác phòng cháy, chữa cháy, Chính phủ yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Thế nhưng, không phải trường hợp nào khi xảy ra sự cố cũng được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường cháy, nổ trong trường hợp nào?
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường cháy, nổ trong trường hợp nào? 

Theo Điều 10 Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006, doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra:

1. Động đất, núi lửa phun hay những biến động khác của thiên nhiên.

2.Tài sản tự lên men hoặc tự toả nhiệt.

3. Tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

4. Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

5. Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

6. Thiệt hại xảy ra đối với máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện hay rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

7. Những thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm.

8. Những thiệt hại do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ.

9. Hàng hoá nhận uỷ thác hay ký gửi trừ khi những hàng hoá đó được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm và người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm theo quy định.

10. Tiền, kim loại quý, đá quý, chứng khoán, thư bảo lãnh, tài liệu, bản thảo, sổ sách kinh doanh, tài liệu lưu trữ trong máy tính điện tử, bản mẫu, văn bằng, khuôn mẫu, bản vẽ, tài liệu thiết kế, trừ khi những hạng mục này được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm.

11. Chất nổ, trừ khi được xác nhận là được bảo hiểm trong giấy chứng nhận bảo hiểm.

12. Những tài sản mà vào thời điểm xảy ra tổn thất, được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải hoặc thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải, trừ phần thiệt hại vượt quá trách nhiệm bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng hải.

13. Những thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho bên thứ ba.

14. Những thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

15. Những thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

16. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận.

Đối với những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nêu trên, nếu bên mua bảo hiểm có nhu cầu bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thì các bên vẫn có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ sung cho những sự kiện đó.

Tuy nhiên, đến ngày 15/04/2018 tới đây, Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 sẽ bắt đầu có hiệu lực thay thế Nghị định 130/2006/NĐ-CP.

Theo đó, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cũng có sự thay đổi. Khoản 2 Điều 6 của Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

- Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.

- Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

- Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

- Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

- Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

- Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

- Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

- Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

- Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục