Theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Lao động 10/2012/QH13, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Theo thống kê, số lượng người lao động tham gia đình công của các cuộc đình công gần đây không hề nhỏ. Chính vì vậy, đình công phải tuân theo một trình tự, thủ tục nhất định.
Thủ tục đình công hợp pháp và hiệu quả (Ảnh minh họa)
Đình công phải theo trình tự nào?
Điều 211 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trình tự đình công, theo đó:
1 - Lấy ý kiến tập thể lao động
Đây là bước xác định nhu cầu của người lao động có tiến hành đình công hay không, đồng thời, khẳng định tính có tổ chức, tính tập thể của cuộc đình công.
- Chủ thể lấy ý kiến:
+ Đối với đơn vị có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất;
+ Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc người lao động.
- Hình thức lấy ý kiến:
+ Phiếu;
+ Chữ ký.
- Nội dung lấy ý kiến:
+ Thời điểm bắt đầu đình công;
+ Địa điểm đình công;
+ Phạm vi tiến hành đình công;
+ Yêu cầu của tập thể lao động (quyền, lợi ích);
+ Ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.
Ban chấp hành công đoàn quyết định về thời điểm/thời gian và hình thức lấy ý kiến của tập thể lao động nhưng phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày.
2 - Ra quyết định đình công
- Ra quyết định đình công:
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra.
- Nội dung quyết định đình công:
+ Kết quả lấy ý kiến đình công;
+ Thời điểm bắt đầu đình công;
+ Địa điểm đình công;
+ Phạm vi tiến hành đình công;
+ Yêu cầu của tập thể lao động;
+ Họ tên của người đại diện Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.
3 - Tiến hành đình công
- Thông báo cho các bên liên quan:
Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công tới:
+ Người sử dụng lao động;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
+ Công đoàn cấp tỉnh.
- Phát lệnh đình công:
Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.
Thủ tục đình công nêu trên là cần thiết cho một cuộc đình công hiệu quả và để các chủ thể có liên quan, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước xác định tính hợp pháp của một cuộc đình công về phương diện thủ tục.
Xem thêm:
9 hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công
Cuộc đình công nào được coi là bất hợp pháp?
Thùy Linh