Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được pháp luật quy định cụ thể nhưng không phải tổ chức, cá nhân nào cũng dễ dàng đáp ứng.
Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện tại Điều 63 Luật Bảo vệ, và kiểm dịch thực vật 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
Điều kiện với người trực tiếp quản lý
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định người trực tiếp quản lý, người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có:
- Trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, hóa học, sinh học, nông học;
- Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.
Cụ thể, Điều 32 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết những đối tượng là người trực tiếp quản lý (chủ cơ sở buôn bán) thuốc bảo vệ thực vật:
-Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, các thành viên công ty hợp danh; Người đứng đầu chi nhánh hoặc cấp phó của người đứng đầu chi nhánh của doanh nghiệp;
-Một trong những người quản lý cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp, hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật;
-Người trực tiếp quản lý cửa hàng đối với cửa hàng buôn bán thuốc tại một địa điểm cố định.
Nhiều yêu cầu chặt chẽ với cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh minh họa)
Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về khoảng cách an toàn
Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định là điều kiện thứ hai để được buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Chi tiết điều kiện về địa điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Điều 33 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT:
- Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê địa điểm đặt cửa hàng hợp pháp tối thiểu là 01 năm; Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 10 m2; Phải là nhà kiên cố, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng gió;
- Không được bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y; Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được nằm trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.
- Cửa hàng phải cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m; có nền cao ráo, chống thấm, không ngập nước; tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa; Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng phải đáp ứng quy định tại Điều 61 của Thông tư này.
- Trường hợp cơ sở buôn bán không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp, địa chỉ rõ ràng; có sổ ghi chép việc mua bán, xuất, nhập thuốc bảo vệ thực vật và đáp ứng quy định tại Điều 32 Thông tư này.
Có kho thuốc, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc
Kho thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố là một trong ba điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ, và kiểm dịch thực vật 2013. Cụ thể hóa quy định này tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 123/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định như sau:
- Đối với cơ sở bán buôn, kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
- Đối với cơ sở bán lẻ, kho thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m và có kệ kê hàng cao tối thiểu 10 cm so với mặt sàn, cách tường tối thiểu 20 cm.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ cả ba yêu cầu trên đây mới đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Xem thêm:
Bổ sung loạt thuốc trừ sâu được sử dụng trong nước
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm bị phạt đến 5 triệu đồng
LuatVietnam