9 nội dung chú ý nhất của Bộ luật Hình sự 2015

Mở rộng áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính; Bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh cũng như không áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên… là những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự 2015) sẽ chính thức được áp dụng từ 2018.


1 - Mở rộng áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính

Bộ Luật Hình sự 2015 mở rộng áp dụng hình phạt theo hướng phạt tiền là hình phạt chính. Theo quy định tại Điều 34, ngoài đối tượng áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định tại BLHS 1999, Luật mới bổ sung thêm đối tượng áp dụng đối với cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng.

Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng thì phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.

Mức phạt tiền đối với cá nhân phạm tội căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội có xét đến tình hình tài sản nhưng không thấp hơn 1 triệu đồng, với pháp nhân không thấp hơn 50 triệu đồng; cao nhất đối với cá nhân là 5 tỷ đồng, pháp nhân là 20 tỷ đồng.

2 - Bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh

Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều thay đổi mức hình phạt so với BLHS 1999, trong đó không áp dụng án phạt tử hình với một số tội danh.

Theo quy định 07 tội danh không áp dụng hình phạt tử hình, gồm: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy;  Tội chống mệnh lệnh và Tội đầu hàng địch. Mức phạt tù cao nhất áp dụng với các tội trên là chung thân.

Xem thêm: Chi tiết về 7 tội danh được bỏ hình phạt tử hình từ 2018

Bộ luật Hình sự 2015: Bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh (ảnh minh họa)


3 - Không tử hình người 75 tuổi, người tham ô nộp 3/4 tài sản

Bộ luật Hình sự 2015 quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình tại khoản 2 Điều 40.

Theo đó, hình phạt tử hình sẽ không áp dụng với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử. Phạm nhân ở độ tuổi này cũng không bị thi hành án tử hình.

Với người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn cũng không bị tử hình. Trong những trường hợp này, người bị kết án tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân (điểm c, khoản 3 Điều 40 BLHS 2015).

4 -  Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự 2015 lần đầu tiên quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm. Theo quy định tại Điều 70, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 4 điều kiện:

- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại,

- Thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại,

- Có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại,

- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Xem thêm: Mức tiền nộp để đảm bảo thi hành án đối với pháp nhân thương mại 

Nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015 


5 - Bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Đây là một chế định hoàn toàn mới được quy định trong BLHS năm 2015, được tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi đủ các điều kiện.

Cụ thể, người đang chấp hành án phạt tù được áp dụng chế định này khi phạm tội lần đầu; Đã chấp hành được ít nhất là 1/2 mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm với trường hợp tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn; Có nhiều tiến bộ, ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí (Điều 66 BLHS 2015)

Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể hủy bỏ quyết định này và buộc phải chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành, nếu người được tha tù trước thời hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên (Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn BLHS 2015).

Xem thêm: Nghị quyết hướng dẫn tha tù trước thời hạn

6 - Trốn đóng bảo hiểm bị xử lý hình sự

Nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nghiêm cấm hành vi chậm hoặc trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động.

Theo quy định tại Điều 126 BLHS 2015, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngoài cá nhân còn có thể là doanh nghiệp trốn nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Cụ thể, cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm nhưng gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để trốn đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm có thể bị phạt đến 7 năm tù; với doanh nghiệp có thể bị phạt đến 3 tỷ đồng

Xem thêm: Từ năm 2018, đưa tội danh liên quan BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự

7-  Ngoại tình, cản trở ly hôn có thể trở thành tội phạm

Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, ngoại tình có thể trở thành tội phạm và có thể phải chịu mức hình phạt từ 1 đến 3 năm tù.

Hành vi ngoại tình của người đang có vợ, có chồng làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 1 năm. Trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Trường hợp cản trở không cho người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tù đến 03 năm (Điều 181 BLHS 2015).

Xem thêm: Ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm

Ngoại tình, cản trở ly hôn có thể trở thành tội phạm (Ảnh minh họa)

8 - Vay tiền đến hạn cố tình không trả có thể phạt tù đến 20 năm

Hành vi vay tiền thường xuyên xảy ra trong xã hội nhưng lại thường chỉ được áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp người đi vay cố tính chây ỳ, có tiền nhưng không trả đã gây khó dễ, thiệt thòi cho người cho vay.

Hành vi vay tiền đã đến hạn trả nợ, có khả năng trả nhưng cố tình không trả thì có thể chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS 2015.

Dấu hiệu của hành vi phạm tội: Người vay tiền của người khác bằng hình thức hợp đồng, đã đến thời hạn trả lại tiền mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Người vay tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Xem thêm: Cách cho vay tiền không lo bị “quỵt”

9 -  Đi bộ sai luật có thể phạt tù đến 15 năm

Theo quy định tại Điều 216 BLHS 2015, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù 7 đến 15 năm.

Như vậy, đối tượng áp dụng không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng ra đối tượng là người đi bộ.

Trên đây là những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015 do LuatVietnam tổng hợp. Bộ luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và hiện đã được sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2017. Quý khách hàng có thể tra cứu tất cả các văn bản thuộc lĩnh vực HÌNH SỰ tại đây.

Xem thêm:


LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục