Như vậy, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Thêm 2 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai
Ngoài 05 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai như quy định trước đây, Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã bổ sung 02 chính sách mới bao gồm:
- Ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai;
- Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ phòng, chống thiên tai
Theo quy định mới, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, quản lý Quỹ ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, quản lý Quỹ ở cấp tỉnh.
Đồng thời, Luật mới sửa đổi đã bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng chống thiên tai như sau:
- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, sử dụng đúng mục đích, kịp thời và phù hợp với quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu;
- Quỹ ở địa phương được chủ động sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn; Quỹ ở Trung ương chủ yếu được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp, thiệt hại nghiêm trọng và điều tiết giữa các địa phương, khu vực;
- Nguồn kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai được điều chuyển giữa Quỹ ở Trung ương và Quỹ ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4 điểm mới của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi (Ảnh minh họa)
Bổ sung ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai
Theo Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi, ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hàng năm, kế hoạch trung hạn, dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính (trước đây chỉ gồm ngân sách Nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách Nhà nước).
Ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.
Bỏ quy định phải có cầu dẫn trên bãi sông khi xây cầu qua tuyến sông có đê
Theo Luật Đê điều sửa đổi, tổ chức, cá nhân xây dựng, cải tạo công trình giao thông có liên quan đến đê điều phải thực hiện quy định sau đây:
Việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều theo quy định của Luật này (trước đây phải có cầu dẫn trên bãi sông) và bảo đảm giao thông thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết nội dung đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.
>> Phát hành bản tin dự báo thiên tai chậm, phạt đến 30 triệu đồng