Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi: 4 điểm mới nổi bật

Nhằm nâng cao giá trị của các văn bản pháp luật, ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 với nhiều nội dung đáng chú ý.

1. Thêm nhiều văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi còn bổ sung thêm một số văn bản khác. Cụ thể là Thông tư liên tịch giữa các chủ thể:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tổng Kiểm toán nhà nước;

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Các chủ thể này ban hành Thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp của các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục về tố tụng và phòng, chống tham nhũng (thay vì chỉ về trình tự, thủ tục tố tụng như hiện nay).

2. Văn bản có thể bị bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan khác

Nếu như khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền.

Thì khoản 3 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi đã điều chỉnh nội dung này theo hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo giá trị cho các văn bản được ban hành:

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan khác có thẩm quyền.

4 điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi (Ảnh minh họa)

3. Vẫn được áp dụng văn bản cũ dù đã có văn bản mới

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng theo khoản 3 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi:

Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó.

Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Đặc biệt, trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó.

Điều này đồng nghĩa với việc, dù có văn bản mới nhưng văn bản cũ vẫn phù hợp với thực tiễn thì vẫn được áp dụng cho đến thời điểm được quy định trong văn bản mới.

4. Thêm trường hợp văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn

So với hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung thêm 03 trường hợp văn bản được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Và như vậy, tới đây, sẽ có 05 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể:

- Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

- Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; cần ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (mới).

- Trường hợp để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (mới).

- Trường hợp để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (mới).

Trên đây là một số điểm thay đổi tiêu biểu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 hiện hành, LuatVietnam sẽ cập nhật ngay khi có toàn văn Luật này.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục