Địa phương yêu cầu cách ly không đúng quy định, phải làm sao?

Gần Tết, người dân từ thành phố sẽ đổ về quê nghỉ lễ. Tuy nhiên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, mỗi địa phương lại áp dụng những quy định khác nhau đối với người dân trở về quê đón Tết.


Điều kiện về quê ăn Tết: Mỗi nơi quy định một kiểu

Dù không cấm người dân về quê đón Tết Nhâm Dần 2022 nhưng mỗi địa phương vẫn áp dụng những quy định chống dịch khác nhau đối với người dân xa xứ trở về quê đón Tết.

Có tỉnh, thành thì yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế gây khá nhiều khó khăn cho người dân trong quyết định có nên về quê hay không. Điển hình các tỉnh siết chặt quy định phòng, chống dịch gồm có: Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,…

Tuy nhiên cũng có nhiều tỉnh khác lại nới lỏng điều kiện, chào đón người dân về quê sum vầy đón Tết như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Đà Nẵng,… Theo đó, người dân về các địa phương này được yêu cầu khai báo y tế và đảm bảo 5K khi về quê ăn Tết.

Dù đã có quy định nhưng một số xã lại tự ý siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch đã được công bố trước đó. Điển hình có thể kể đến vụ việc gần 30 hộ dân tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa có người đi xa về quê ăn Tết đã bị chính quyền xã tới khóa cổng.

Hay như vụ việc cán bộ một thôn ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình khóa cửa, “nhốt” hai ông bà già và hai cháu nhỏ trong nhà suốt 07 ngày sau khi hai cháu về từ vùng đỏ.

Sau khi có thông tin phản ánh, các hộ dân này đã được mở cửa trở lại nhưng điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ.

Xem thêm: Điều kiện về quê ăn Tết Nguyên đán 2022 của 63 tỉnh, thành


Chính quyền địa phương cách ly không đúng quy định, cần làm gì?

Trước các thông tin phản ánh về biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp tại các địa phương, ngày 11/01/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 242/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh vấn đề này.

Ngày 17/01/2022, Bộ Y tế đã có Công văn 271/BYT-TTrB gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời địa phương còn phải tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ các phản ánh về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp. Nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã công bố số tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nếu thấy chính quyền cơ sở thực hiện không đúng quy định, người dân có thể liên hệ đến đường dây nóng của địa phương để phản ánh.

Ví dụ:

Ở Thanh Hóa, người dân có thể gọi đến tổng đài theo số 02371022 (đối với điện thoại cố định ngoại tỉnh và di động), 1022 (đối với điện thoại cố định trong tỉnh).

Tại Bình Dương, tổng đài 1022 sẽ tiếp nhận các phản ánh liên quan trong công tác phòng, chống dịch theo khung thời gian 24/7 và chuyển các cơ quan đơn vị kịp thời xử lý, việc xử lý đảm bảo tối đa không quá 05 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Tại Hải Phòng, tổ chức, cá nhân liên hệ số điện thoại 0889.397.397 (từ 6h00’ đến 24h00’ các ngày trong tuần) để kiến nghị về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngoài ra, người dân cũng có thể khiếu nại đối với những cán bộ địa phương yêu cầu cách ly không đúng quy định.

Xem thêm: Thủ tục khiếu nại theo quy định mới nhất

Trên đây là cách giải quyết khi địa phương yêu cầu cách ly không đúng quy định. Nếu có vướng mắc về điều kiện về quê ăn Tết cùng các nội dung liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6199 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp.

>> Về quê đón Tết Nhâm Dần 2022 phải chuẩn bị giấy tờ gì?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục