Đi tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn sẽ chỉ mất 8 tiếng

Tuyến đường sắt tốc độ cao chạy xuyên Bắc - Nam được triển khai xây dựng trong thời gian tới sẽ là tin vui không chỉ với những người sống xa quê.

Vận tốc khoảng 200km/giờ

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những nội dung nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1468/QĐ-TTg năm 2015.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, trước mắt sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ chạy tàu từ 160km/giờ đến dưới 200km/giờ và tiến tới khai thác tốc độ cao tốc 350km/giờ trong tương lai, khổ đường 1.435mm. Trong đó, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc – Nam theo khả năng huy động vốn.

Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ có vận tốc chạy tàu khoảng 90km/giờ. Như vậy, nếu vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng hơn 8 tiếng, thay vì khoảng hơn 31 tiếng như trước đây.

 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Vận tốc trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước tiên đạt khoảng 160km/h - dưới 200km/h (Ảnh minh họa)

Chạy qua 20 tỉnh, thành

Dự kiến tổng chiều dài của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 15000km, chạy dọc từ Bắc xuống Nam và qua 20 tỉnh, thành. Trong đó có: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh…

Theo Danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 1468/QĐ-TTg, các dự án đường sắt tốc độ cao được ưu tiên đầu tư trước tiên bao gồm: Hà Nội – Vinh (chiều dài 284,0km); TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang (chiều dài 366,0km); Vinh – Nha Trang (chiều dài 920,0km).

Trình Quốc hội vào năm 2019

Đầu tháng 3/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 2155/VPCP-CN về kế hoạch hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo Công văn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải về việc thống nhất nguồn vốn để tổ chức xây dựng Báo cáo, chỉ đạo các đơn vị tư vấn thẩm tra…

Sau khi hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục