Đầu tuần sau, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước

Ngày 22/10/2018 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6 để thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bầu chức danh Chủ tịch nước.


Bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp

Cổng thông điện tử Quốc hội (quochoi.vn) đưa tin, ngay từ đầu kỳ họp, tức ngày 22 – 23/10/2018, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Theo đúng quy định tại khoản 7, Điều 70 Hiến pháp năm 2013, sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp trước Quốc kỳ trong thời gian không quá 03 phút.

Như thông tin trước đó đã đưa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức danh Chủ tịch nước. Việc bầu Chủ tịch nước sẽ được các đại biểu Quốc hội thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới.


Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ được khai mạc vào 22/10/2018 tới đây (Ảnh minh họa)


Xem xét, thông qua 9 dự án luật

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục là một kỳ họp có rất nhiều dự án luật được đưa xem xét, thảo luận và thông qua.

Cụ thể, có 09 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua, bao gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự kiến, Quốc hội sẽ dành gần 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng thời gian của kỳ họp.

Xem thêm:

Khuyết Chủ tịch nước, ai sẽ là người giữ quyền?

Quy trình bầu Chủ tịch nước diễn ra thế nào?

Vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong hệ thống chính trị?

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục