Đánh nhau gây thương tích dưới 11% có bị đi tù?

11% là mức tỷ lệ thương tích nhỏ nhất được quy định để định mức khung hình phạt về Tội cố ý gây thương tích trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, trong một số trường hợp đặc biệt, việc cố ý gây thương tích dưới 11% cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gây thương tích dưới 11% bị phạt hành chính đến 3 triệu đồng

Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích cụ thể. Đây được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác.

Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ thương tích mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu đánh nhau gây thương tích dưới 11% và không thuộc các trường hợp đặc biệt, người thực hiện có thể bị phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác.

Mức phạt được quy định đối với hành vi này là phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đánh nhau gây thương tích dưới 11% có bị đi tù? (Ảnh minh họa)

Các trường hợp gây thương tích dưới 11% bị xử lý hình sự

Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, nếu gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì người thực hiện có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

- Có tính chất côn đồ;

- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình về hành vi cố ý gây thương tích, người thực hiện còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần cho người bị đánh.

Cụ thể, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các khoản thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Bồi thường bù đắp về tinh thần: Mức bồi thường do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng).

Tóm lại:

Dựa trên các quy định trên, có thể thấy, việc gây thương tích cho người khác dưới 11% thông thường chỉ bị phạt hành chính do chưa gây tổn thương đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự như: có tính chất nguy hiểm (dùng thuốc nổ, axit nguy hiểm...) hoặc xâm phạm đến các giá trị đạo đức (gây thương tích với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, cha, mẹ...)... thì người vi phạm có thể bị cơ quan chức năng khởi tố về Tội cố ý gây thương tích.

Ngoài bị áp dụng các biện pháp xử phạt về hành vi cố ý gây thương tích, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại về các thiệt hại mà họ đã gây ra, bao gồm thiệt hại về sức khỏe và tình thần.

Trên đây là các quy định để xử lý hành vi gây thương tích dưới 11%. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Giết người khi nào thì bị tử hình?
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(4 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục