Thực tế đã có không ít vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra khiến chính người trong cuộc phải vướng vào vòng lao lý. Vậy đánh ghen thế nào cho đúng luật?
Đánh ghen là lời nói, hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng mình.
Đây chỉ là cách gọi thông thường được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày mà pháp luật hiện hành không quy định về khái niệm đánh ghen.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định những giới hạn nhất định đối với hành vi này. Và dưới đây là một số quy định cần biết để “đánh ghen thế nào cho đúng luật”.
1. Không chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương
Danh dự, nhân phẩm của mỗi người là quyền được khoản 1 Điều 20 Hiến pháp ghi nhận:
Điều 20
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Theo đó, nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, người vi phạm có thể bị:
- Phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng: Có hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác (theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 05- 10 triệu đồng: Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của thành viên trong gia đình (khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Sử dụng mạng xã hội, phương tiện thông tin để xúc phạm nhân phẩm, danh dự thành viên trong gia đình (điểm b khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Đặc biệt, nếu hành vi này nghiêm trọng đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm thì người đánh ghen sẽ đối mặt với mức phạt tù cao nhất đến 05 năm về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cụ thể:
- Bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác.
- Phạt tù từ 03 tháng - 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên, với 02 người trở lên hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc với người đang thi hành công vụ hoặc với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng máy tính/mạng viễn thông… dể phạm tội…
- Phạt tù từ 02 - 05 năm: Làm nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi với tỷ lệ tổn thương cơ sở từ 61% trở lên hoặc khiến nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, đánh ghen thế nào cho đúng luật là không được có lời nói, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của đối phương bởi nếu vi phạm nguyên tắc này, người đánh ghen sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự như trên.
2. Không đánh nhau, gây thương tích cho đối phương
Nếu đi đánh ghen hoặc thuê người khác đánh ghen mà xâm hại đến sức khỏe của đối phương thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Còn nếu hai bên đánh nhau mà người đánh ghen cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt 05 - 08 triệu đồng theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định nêu trên.
Riêng việc vô ý gây thương tích/tổn hại sức khoẻ cho người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn có thể bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng theo điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Không chỉ gây thương tích với tình địch mà nếu có hành vi đánh đập gây thương tích cho vợ/chồng - người nghi ngờ cặp bồ với người khác thì có thể bị phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng (khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Nếu sử dụng vật dụng, công cụ khác để gây thương tích thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Nặng nề hơn, nếu cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho đối phương đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể đối mặt với mức phạt tù đến tù chung thân về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Do đó, để đánh ghen thế nào cho đúng luật, vợ/chồng tuyệt đối không “đụng tay đụng chân” với nhân tình của vợ/chồng hay chính bản thân người vợ/chồng đó.
3. Được tố cáo đối phương
Dù không được chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương; không được đánh nhau, gây thương tích cho đối phương nhưng để đánh ghen thế nào cho đúng luật thì vợ, chồng có thể áp dụng biện pháp tố cáo nhân tình của vợ, chồng mình.
Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, người đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác, chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/đang có vợ... sẽ bị phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng.
Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt cao nhất là 03 năm tù theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Có thể thấy, việc cặp bồ với người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, người vợ hoặc người chồng có chồng/vợ mình cặp bồ với người khác, để đánh ghen hoàn toàn có thể tố cáo nhân tình của người kia để cơ quan công an xử lý.
Tuy nhiên, để cơ quan công an giải quyết thì người tố cáo phải có chứng cứ chứng minh hai người kia có hành vi “sống chung với nhau như vợ chồng”. Theo đó, việc chung sống như vợ chồng được giải thích tại khoản 3.1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01 năm 2001:
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Như vậy, chỉ được coi là chung sống như vợ chồng nếu đáp ứng các điều kiện:
- Đang có vợ, có chồng chung sống với người khác một cách công khai/không công khai nhưng sinh hoạt chung như một gia đình.
- Có con chung.
- Được hàng xóm, xã hội xung quanh coi là vợ chồng.
- Có tài sản chung.
- Được cơ quan, gia đình, đoàn thể giáo dục nhưng vẫn tiếp tục mối quan hệ này.
Chỉ khi đáp ứng các điều kiện này thì sẽ bị coi là chung sống như vợ chồng và người chồng/người vợ hoàn toàn có quyền tố cáo để pháp luật xử lý trong trường hợp này.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Đánh ghen thế nào cho đúng luật? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.