Thế nào là video có nội dung xấu, độc hại?
Hiện nay, lướt qua các kênh mạng xã hội được nhiều người sử dụng như Facebook, Youtube hay Tiktok không khó để tìm thấy những video mang nội dung: Ăn uống mất vệ sinh; Bạo lực; Đồi trụy; Phá hoại đồ đặc, tài sản; Nhạo báng, vu khống hoặc trêu đùa quá mức với người khác,…
Đó là những video có nội dung xấu, độc hại, không những không đem lại nội dung lành mạnh, bổ ích mà còn có thể ảnh hưởng không tốt tới người xem, đặc biệt là trẻ em.
Hậu quả các video xấu, độc gây ra là vô cùng to lớn. Về đạo đức xã hội, những nội dung video nhảm nhí, phản cảm, đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam, có thể tác động xấu đến ý thức người xem, từ đó hình thành tư tưởng, nhân cách lệch lạc.
Nguy hiểm hơn, nếu giới trẻ bắt chước làm theo, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý, tinh thần.
Do chính sách trả tiền cho lượt xem, quảng cáo từ các kênh đăng tải nội dung, mặc dù những video xấu, độc hại như vậy bị rất nhiều sự chỉ trích, lên án, tuy nhiên chúng vẫn xuất hiện ngày càng nhiều.
Đăng video xấu, độc hại lên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng
Việc chia sẻ, đăng tải các nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Theo quy định trên, hành vi đăng tải video nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin.
Đến nay, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính do đăng tải nội dung xấu lên mạng Internet. Đồng thời, theo yêu cầu của trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.
Ngoài quy định về xử phạt hành chính, trường hợp nội dung video được đăng tải có tính chất làm nhục người khác và đã bị phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, mức phạt với hành vi dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để làm nhục người khác là phạt tù từ 03 tháng - 02 năm. Nặng hơn, nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tù từ 02 - 05 năm.
5 cách giúp phụ huynh ngăn chặn trẻ xem video độc hại
Để ngăn chặn trẻ em xem phải các video có nội dung xấu, độc hại, phụ huynh có thể tham khảo 5 cách sau:Xem video cùng con
Do công việc bận rộn, nhiều bậc phụ huynh thường để con cầm điện thoại chơi một mình, khiến chúng xem được các nội dung độc hại.
Cách tốt nhất để đảm bảo trẻ em không tiếp xúc với nội dung không phù hợp đó là hãy ở cạnh con khi chúng sử dụng điện thoại, máy tính bảng để biết con đang xem gì.
Chuẩn bị sẵn các kênh cho con
Khi cho trẻ tự xem các video trên mạng, nếu có thể, hãy thiết lập sẵn danh sách các kênh video phù hợp để trẻ không cần tìm kiếm mà vẫn có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra lịch sử xem của con để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Hạn chế cho con sử dụng tai nghe
Hãy cất tai nghe và ở đủ gần con để nghe thấy nội dung video. Khi trẻ dùng tai nghe, phụ huynh sẽ không thể biết liệu trẻ đang nghe gì, có nội dung bạo lực hay không.
Cho con dùng ứng dụng YouTube Kids
YouTube Kids là ứng dụng trên điện thoại phù hợp với trẻ từ 2 đến 8 tuổi, có khả năng vô hiệu hóa chức năng tìm kiếm, lọc các từ khóa, hạn chế thời gian sử dụng của trẻ. Phụ huynh có thể cho trẻ dùng ứng này để không bị xem phải các video độc hại.
Hãy bật chế độ hạn chế trên Youtube
Hiện tại, Youtube có chế độ hạn chế nhằm lọc ra "những nội dung có thể bị phản đối". Bố mẹ chỉ cần kéo xuống dưới trang YouTube và bật nó. Đối với điện thoại, hãy vào mục cài đặt để bật chế độ này.
Trên đây là một số thông tin về việc đăng video có nội dung xấu lên mạng xã hội và quy định của pháp luật để xử lý. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.