Nhằm hạn chế xe có trọng tải lớn đi vào làm hỏng đường làng, người dân nhiều địa phương đã tự ý dựng cột bê tông chắn ngay hai bên đường. Hành vi này liệu có vi phạm pháp luật?
Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn từ trụ bê tông đường làng
Hiện nay, để người dân đi lại thuận tiện hơn, các tuyến đường giao thông các xã trên cả nước đang được bê tông hóa. Tuy nhiên, sau khi đổ bê tông, những tuyến đường này đã nhanh chóng xuống cấp, bị nứt, vỡ bề mặt,… do thường xuyên có các ô tô trọng tải lớn đi qua dù đã cắm biển cấm.
Trước tình trạng đó, nhiều nơi đã đổ trụ bê tông đầu đường làng để hạn chế xe ô tô vào, làm hư hỏng đường. Dù cũng có tác dụng bảo vệ đường làng nhưng những trụ cột này chưa được sơn phản quang hay có biển cảnh báo nên vô tình trở thành những cái bẫy rình rập người đi đường.
Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra xung quanh chiếc trụ này. Do điều kiện trời tối hay thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn, nhiều người dân đã đâm trúng chiếc cột này gây nên những tai nạn đáng tiếc. Nhẹ thì bị xây xát nhẹ, xe bị hư hỏng; nhiều trường hợp còn bị thương nặng, thậm chí là tử vong.
Không những thế, việc xây dựng trụ cột còn hạn chế ô tô của chính con em trong làng đi làm ăn xa trở về. Thậm chí khi xảy ra những trường hợp khẩn cấp thì những trụ bê tông này sẽ trở thành vật cản khiến cho việc ứng phó và xử lý tình huống không được diễn ra kịp thời.
Dân tự ý xây trụ bê tông trên đường làng, có phạm luật? (Ảnh minh họa)
Tự ý xây trụ bê tông đường làng, người dân có phạm luật?
Việc người dân tự ý đổ trụ bê tông, tạo chướng ngại vật tại các đường liên thôn dù mục đích tốt là để bảo bảo vệ, chống hư hỏng đường xá nhưng đây vẫn là hành vi phạm pháp luật. Đây là một trong những hành vi bị cấm tại khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:
Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
Theo đó, hành vi tự ý xây trụ bê tông trên đường sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100 quy định:
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông,…
Như vậy, việc xây dựng cột bê tông chắn trên đường làng có thể bị phạt tiền đến 03 triệu đồng với cá nhân và 06 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời buộc phải phục hồi nguyên trạng ban đầu (theo điểm d khoản 10 Điều này).
Ngoài ra, nếu hành vi này gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ tại Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, với tội danh này, mức phạt nhẹ nhất là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu làm chết người hoặc làm tổn hại sức khỏe cho 01 người từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng,…
Nói tóm lại, người dân tự ý xây trụ bê tông trên đường làng là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 .6192 để được hỗ trợ.