Hôm nay (16/4), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phát đi thông báo về việc kết thúc điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong thời gian qua, Cục đã tổ chức làm việc với các bên liên quan, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
Trong khi đó, Điều 18 của Luật Cạnh tranh 2004 quy định: Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế có nguy cơ giải thể, phá sản; việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu, phát triển kinh tế xã hội hoặc doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Như vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đi đến kết luận việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.
Kết quả điều tra vụ Grab mua lại Uber cho thấy thương vụ này có dấu hiệu vi phạm (Ảnh minh họa)
Từ kết quả điều tra sơ bộ nêu trên, Cục đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh. Khi kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, thương vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á để đổi lấy gần 30% cổ phần đã khiến dư luận được phen chao đảo. Khi Grab và Uber “về chung một nhà”, nhiều câu hỏi đã đặt ra xung quanh việc thương vụ này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?
Xem thêm:
Grab, Uber được tiếp tục hoạt động đến khi có quy định mới
Đề xuất coi Grab, Uber là một dạng kinh doanh taxi
Dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab: Taxi truyền thống đang vi phạm Luật Cạnh tranh?
LuatVietnam