Cướp ngân hàng có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?

Mặc dù không thường xuyên xảy ra, nhưng các vụ cướp ngân hàng ở Việt Nam những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Vậy, mức phạt tối đa với những đối tượng cướp ngân hàng như thế nào?

Cướp ngân hàng ngày càng phổ biến

Mới đây, khoảng 10h ngày 27/7/2020, hai nam giới đi bộ vào Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ngọc Khánh. Sau đó, một nghi phạm bất ngờ cầm súng ngắn dạng tự chế đi vào phía trong các quầy giao dịch, bắn súng lên trần nhà rồi đi vào từng quầy giao dịch lấy tiền ném ra sàn phía ngoài.

Nghi phạm còn lại để một bịch màu đen xuống sàn hô "thuốc nổ, nếu hô thì cho nổ" rồi nhặt tiền do nghi phạm cầm súng ném ra cho vào túi màu đen.

Sau khi cướp được tiền, hai nghi phạm đi bộ ra phía ngoài ngân hàng, ném lựu đạn trước trụ sở ngân hàng, tiếp tục dùng súng đe dọa người dân cướp xe máy để tẩu thoát.

Theo thông tin từ phía ngân hàng, số tiền bị cướp là 942 triệu đồng.

Trước đó, cũng có khá nhiều vụ cướp đã xảy ra tại các ngân hàng. Cụ thể, năm 2017, cướp ngân hàng Vietcombank tại Trà Vinh bằng súng ngắn, lấy đi khoảng 1,6 tỷ đồng. Năm 2018, tại Agribank Bắc Giang, đối tượng cũng dùng súng cướp đi gần 900 triệu đồng. Cũng trong năm này, xảy ra cướp tại ngân hàng Vietcombank ở Khánh Hòa, cướp ngân hàng Viettinbank ở Tiền Giang…

Gần đây, 04/2020, tại Sóc Sơn - Hà Nội cũng xảy ra cướp tại chi nhánh Techcombank nhưng bất thành…

Có thể thấy, số vụ cướp ngân hàng xảy ra không ít trong những năm gần đây. Vậy, cướp ngân hàng có thể đối mặt với án tù nào?


Cướp ngân hàng bị phạt bao nhiêu năm tù? (Ảnh minh họa)

Cướp ngân hàng có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?

Pháp luật hiện nay chưa có quy định về tội cướp ngân hàng, tuy nhiên, xem xét các yếu tố cấu thành thì tội cướp ngân hàng có thể xếp vào tội cướp tài sản theo quy định của Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Chỉ cần phạm tội cướp tài sản, chưa có các tình tiết tăng nặng khác thì khung hình phạt tối đa đã là 10 năm tù giam. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

Nếu phạm tội để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thương tích/gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc phạm tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Hiện nay, khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu thuộc các trường hợp sau:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

- Làm chết người;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Đối với trường hợp cướp tại chi nhánh ngân hàng BIDV, số tiền bị cướp là 942 triệu đồng nên thuộc khung hình phạt cao nhất của tội này, thì mức phạt tù được quy định từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

>> Chống trả người bắt trộm có chuyển thành tội cướp tài sản?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục