Do đặc thù về việc hưởng mức lương có giới hạn từ ngân sách Nhà nước cũng như chịu sự tác động từ nhiều quy định pháp luật, việc công chức kinh doanh để tăng thu nhập có một số hạn chế.
Công chức không được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã đưa ra những quy định về những việc công chức không được làm.
Trong đó, công chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Không chỉ vậy, tại điểm b khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng nêu rõ, công chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đáng chú ý, theo khoản đ, khoản 2 Điều 28 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/05/2018 vừa qua thì cán bộ, công chức cũng không được tham gia bán hàng đa cấp.
Công chức có được kinh doanh để tăng thu nhập? (Ảnh minh họa)
Công chức được kinh doanh dưới hình thức nào?
Ngoài việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học tư, bán hàng đa cấp như nêu trên, công chức có thể tham gia các hình thức kinh doanh khác mà pháp luật không cấm để tăng thu nhập.
Cụ thể như, công chức có thể thành lập, tham gia hộ kinh doanh. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hộ kinh doanh cá thể được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Không chỉ vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, công chức còn được quyền góp vốn vào công ty cổ phần nhưng chỉ với tư cách là cổ đông và không được tham gia Hội đồng quản trị. Ngoài ra, công chức có thể góp vốn vào công ty hợp danh với tư cách là thành viên góp vốn.
Tuy nhiên, khi kinh doanh, công chức vẫn phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tại Chỉ thị số 26/CT-TTg năm 2016, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó có việc công chức không được sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng.
Quy định nêu trên cũng được đề cập một lần nữa trong Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội năm 2017.
Xem thêm:
Luật Cán bộ, công chức và những nội dung đáng chú ý nhất 2018
LuatVietnam