Tết Nguyên đán đang đến gần, việc biếu tiền tết cho cha mẹ chồng như thế nào cũng là vấn đề khiến các nàng dâu đau đầu. Dưới góc độ pháp luật thì đây có được coi là nghĩa vụ bắt buộc hay không?
Con dâu có phải biếu tiền Tết cho cha mẹ chồng không?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, con dâu không có nghĩa vụ phải biếu tiền Tết cho cha mẹ chồng cũng như con rể cũng không có nghĩa vụ phải biếu tiền Tết cho cha mẹ vợ.
Bởi theo quy định tại Điều 80 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi con dâu, con rể sống cùng với cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ thì phải có quyền, nghĩa vụ như sau:
Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này.
Theo đó, quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ gồm:
- Được yêu thương, tôn trọng, học tập, giáo dục…
- Phải yêu quý, biết ơn, hiếu thảo, kính trọng, phụng dưỡng cha mẹ…
- Khi sống với cha mẹ phải tham gia công việc gia đình, sản xuất, tạo thu nhập.
- Phải đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình…
Theo quy định này, con dâu không phải biếu tiền tiêu Tết cho cha mẹ chồng (một dạng của tặng cho tiền) nhưng trong việc sắm Tết - những khoản chi tiêu cho Tết của cả gia đình thì con dâu hoặc con rể khi sống cùng cha mẹ đều phải đóng góp phù hợp với khả năng của mình.
Tuy nhiên, mặc dù pháp luật không quy định nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, con cái thường sẽ biếu Tết cha mẹ chồng, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ đẻ để thể hiện sự hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc của mình đến cha mẹ cũng như tình cảm và lòng tôn kính của con cái với cha mẹ.
Về bản chất, đây cũng giống như một khoản tiền lì xì ngày Tết với ngụ ý chúc cha mẹ nhiều điều may mắn trong cuộc sống, khoẻ mạnh, vui vẻ, hạnh phúc. Thông thường, việc biếu tiền hay quà vào dịp Tết cho cha mẹ hai bên gia đình sẽ do các cặp vợ chồng thoả thuận, căn cứ vào khả năng thực tế của gia đình.
Ép con phải cho tiền tiêu Tết, cha mẹ có bị phạt?
Thực tế, việc biếu quà Tết cho cha mẹ là thông tục tốt đẹp của người dân Việt Nam và theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, đây không phải yêu cầu bắt buộc.
Và pháp luật cũng không xử phạt cha mẹ trong trường hợp ép con phải đưa tiền Tết. Dù pháp luật không quy định nhưng có thể thấy, hành vi này là hành động không đẹp, đáng bị lên án trong cuộc sống hằng ngày.
Khi sống chung với cha mẹ, con cái phải góp tiền cho mục đích chi tiêu sinh hoạt gia đình tuỳ theo khả năng về kinh tế của mình. Đồng nghĩa, cha mẹ hay bất cứ ai cũng không được có hành vi “ép buộc con cái phải đưa tiền tiêu Tết” cho mình.
Mà việc đóng góp tiền để chi tiêu hàng ngày trong đó có những ngày Tết là trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái khi sống chung với cha mẹ và cũng là một trong các biểu hiện của sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ mình.
Về hành vi ép con đưa tiền, cả Luật Phòng chống bạo lực gia đình đang có hiệu lực và sắp có hiệu lực từ 01/7/2023 đều quy định đây là một trong các hành vi bạo lực gia đình nếu:
Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
Tuy nhiên, quy định này chỉ đặt ra nếu cha mẹ ép con đóng góp tiền tiêu Tết quá khả năng của con thì mới bị xem là bạo lực gia đình. Đồng thời, hiện Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực gia đình không đề cập đến mức phạt của hành vi này mà Điều 58 Nghị định này chỉ quy định:
Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Trên đây là quy định về vấn đề: Con dâu có phải biếu tiền Tết cha mẹ chồng không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.