Cổ vũ đội tuyển Việt Nam thế nào cho văn minh, hợp pháp?

Bất cứ trận đấu nào có đội tuyển Việt Nam tham gia thi đấu, dù là giải đấu khu vực hay quốc tế, đều khiến hàng triệu khán giả nóng lòng chờ đợi. Vậy cổ vũ đội tuyển Việt Nam như thế nào để được coi là văn minh, hợp pháp?

1 - Không dùng chiêng, trống, còi, kèn cổ động trái phép nơi công cộng

Dù cháy hết mình với đội tuyển nước nhà nhưng người dân vẫn cần phải tuân thủ các quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung.

Theo Điều 6 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng.

Tương tự, nếu việc cổ vũ gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu vực dân cư, nơi công cộng trong thời gian từ 22h giờ đến 06 giờ sáng sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.


2 - Không vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ

Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ xảy ra rất phổ biến sau những trận đội tuyển Việt Nam dành chiến thắng. Khi “đi bão”, người dân thường bất chấp các quy định của pháp luật về an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người trên xe máy hay phóng nhanh, vượt ẩu…

Theo quy định của Nghị định 46 của Chính phủ, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc chở người không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng; Điều khiển xe chạy quá tốc độ sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 01 triệu đồng và từ 02 - 03 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ gây tai nạn giao thông; hành vi “kẹp ba”, “kẹp bốn” trên xe cũng sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.

Cổ vũ đội tuyển Việt Nam thế nào cho văn minh, hợp pháp? (Ảnh minh họa)


3 - Không có hành vi phản cảm với Quốc kỳ

Trước đây, trong giải đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự, để ăn mừng chiến thắng của đội nhà sau mỗi trận đấu, một số người đã có hành vi rất phản cảm như lấy Quốc kỳ quấn quanh người… Đây không những là hành vi thiếu thẩm mỹ mà còn xâm phạm sự tôn nghiêm, thiêng liêng đến biểu tượng của quốc gia, dân tộc.

Theo quy định tại Điều 351 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.


4 - Không tham gia đặt cược trái phép

Ngoài các quy định nêu trên, người hâm mộ trái bóng tròn cũng lưu ý không tổ chức đặt cược, tham gia đặt cược trái phép trong các trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham gia.

Cho dù đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP cho phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, tuy nhiên theo Quyết định 1064/QĐ-BVHTTDL về Danh mục các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược năm 2018 thì người hâm mộ không được tham gia đặt cược các trận đấu có đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự.

Nếu cố ý tham gia đặt cược, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 01 - 02 triệu đồng về hành vi đánh bạc trái phép theo quy định tại Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ; hoặc nghiêm trọng hơn, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc theo Điều 321 của Bộ luật Hình sự 2015.

Xem thêm:

Đốt pháo sáng trên sân bóng đá bị phạt thế nào?

Mua vé bóng đá rồi bán lại giá cao có bị xử lý?

Luật “ăn mừng bàn thắng” mà ĐT Việt Nam cần cảnh giác

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục