Cơ quan nào tiếp nhận đơn tố cáo?

Theo nguyên tắc quy định tại Điều 12, Điều 31 Luật Tố cáo năm 2011, tùy nội dung tố cáo mà người dân cần nộp đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cụ thể. Xác định cơ quan nào tiếp nhận đơn tố cáo giúp việc giải quyết tố cáo nhanh chóng, chính xác, thuận lợi hơn.

Người dân đến đâu để tố cáo?

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó. Nếu người có hành vi vi phạm là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức này.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (không phải cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ) thì nội dung liên quan đến chức năng quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Thông thường, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao. Nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì vụ việc sẽ được chuyển cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát để giải quyết tố cáo.

Nếu tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý của nhiều cơ quan thì có thể tố cáo đến 01 hoặc tất cả các cơ quan này. Tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.

Cơ quan nào tiếp nhận đơn tố cáo?

Cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo được xác định tùy vào từng loại vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa)

Tố cáo bằng Đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp

Trong Đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo.

Trường hợp đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Ngày 12/06/2018, Luật Tố cáo (sửa đổi) là 1 trong 7 dự án luật được Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật mới bổ sung quy định: Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, bằng chứng để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật. Luật Tố cáo mới sẽ có hiệu lực từ năm 2019.


LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục