Nhiều hành khách đi máy bay có nhu cầu mang hải sản, trái cây tươi và thậm chí là nước mắm… để làm quà tặng người thân sau mỗi chuyến du lịch. Quy định của Cục Hàng không Việt Nam nói chung và của các hãng hàng không nói riêng về vấn đề này như thế nào?
Được phép mang hải sản, hoa quả, nước mắm... lên máy bay
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay tại Quyết định số 1531/QĐ-CHK. Theo Danh mục này, các loại thực phẩm tươi sống như: Hải sản, thịt động vật, nước mắm hay trái cây tươi… không thuộc diện bị hạn chế hoặc cấm mang lên máy bay.
Đáng chú ý, từ ngày 01/05/2016, Thông tư 01/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải cho phép mang chất lỏng lên các chuyến bay nội địa. Riêng với các chuyến bay quốc tế, khi qua điểm kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly quốc tế, mỗi hành khách chỉ được mang không quá 01 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay; dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng không quá 100 mi-li-lít, đồng thời phải được đóng kín hoàn toàn.
Như vậy, pháp luật hiện hành cho phép mang các loại thịt, hải sản tươi sống, nước mắm và hoa quả tươi…lên máy bay. Tuy nhiên, đây đều là những đồ dễ hư hỏng, có mùi nên việc vận chuyển các loại hàng hóa này như thế nào phụ thuộc vào quy định cụ thể của từng hãng hàng không.
Được phép mang hải sản, hoa quả, nước mắm lên máy bay (Ảnh minh họa)
Quy cách đóng gói khi mang hải sản, hoa quả, nước mắm lên máy bay
Với thịt/hải sản: Các hãng hàng không đều quy định hải sản phải được đóng gói trong thùng xốp kín, không có lỗ hở để tránh bay mùi ra khoang hành lý. Trong đó, hãng Vietnam Airlines quy định, thùng chứa phải được làm bằng vật liệu chống thấm và đủ chắc chắn để chịu được việc xếp chồng các kiện hàng.
Với hoa quả tươi: Những loại quả như quả dừa có nước bên trong, quả mít hay quả sầu riêng có mùi đều phải được gửi trong hành lý ký gửi. Tương tự như với thịt, hải sản tươi sống, hành khách phải đóng gói hoa quả cẩn thận trong các thùng xốp để đảm bảo không bị dập nát cũng như không tỏa mùi. Lưu ý, các hãng hàng không sẽ không chịu trách nhiệm nếu loại hàng hóa này hư hỏng sau chuyến bay.
Với nước mắm: Nước mắm và các chất lỏng có mùi khác chỉ được đựng trong chai nhựa, không được đựng trong chai thủy tinh để tránh sự giãn nở và va chạm gây vỡ chai. Thùng đựng chai nước mắm phải được dán kín để tránh bay mùi và được gắn thẻ “Dễ vỡ”. Hãng VietJet Air quy định mỗi hành khách chỉ được mang tối đa 04 lít nước mắm, mỗi chai không quá 01 lít…
Trên đây là thông tin liên quan đến việc mang thực phẩm tươi sống, có mùi lên các chuyến bay. Những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, hành khách có thể tìm hiểu kỹ hơn về quy định cụ thể của từng hãng hàng không để biết thêm chi tiết.
Xem thêm:
Danh mục những đồ vật bị cấm mang lên máy bay
12 loại giấy tờ có thể dùng thay CMND khi đi máy bay
Những quy định hành khách đi máy bay cần biết
LuatVietnam