Có được kéo dài thời gian thử việc khi nhân viên chưa đạt yêu cầu?

Nhân viên thử việc chưa đáp ứng được kỳ vọng, doanh nghiệp có được kéo dài thời gian thử việc đã thỏa thuận không? Thực tế cũng có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện điều này. Cách làm này liệu có đúng luật?


1. Thời gian thử việc đối với mỗi người lao động là bao lâu?

Theo Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, tùy vào loại công việc mà thời gian thử việc  đối với mỗi người lao động sẽ dài ngắn khác nhau. Cụ thể:

- Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp: Thời gian thử việc tối đa là 180 ngày.

- Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: Thời gian thử việc tối đa là 60 ngày.

- Đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: Thời gian thử việc tối đa là 30 ngày.

- Đối với các công việc khác: Thời gian thử việc tối đa là 06 ngày làm việc.

Không phải người lao động nào đi làm cũng phải trải qua thời gian thử việc. Bởi lẽ, thử việc là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động khi có nhu cầu làm thử trước khi chính thức ký hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng cần nhớ, không được áp dụng thử việc đối với người lao động mà mình dự định ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Nếu vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đến 01 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 12 năm 2022). 

Thời gian thử việc được quy định thế nào? (Ảnh minh họa)


2. Nhân viên không đạt yêu cầu, công ty có được kéo dài thời gian thử việc?

Mặc dù pháp luật cho phép các bên được tự do thỏa thuận về thời gian thử việc nhưng một khi đã “chốt” khoảng thời gian cụ thể thì không thể kéo dài thời gian thử việc.

Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ, người sử dụng lao động chỉ được yều cầu thử việc một lần đối với một công việc trong thời gian nhất định.

Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải tiến hành đánh giá quá trình làm việc của người lao động và thông báo kết quả thử việc cho người lao động được biết.

Lúc này sẽ xảy ra 02 trường hợp sau:

- Nhân viên thử việc được đánh giá là đạt yêu cầu: Công ty ký hợp đồng lao động chính thức với người đó hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động nếu trước đó ký hợp đồng lao động để thử việc.

- Nhân viên thử việc được đánh giá là không đạt yêu cầu: Công ty chấm dứt hợp đồng với người lao động đó.

Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thử việc, doanh nghiệp chỉ có 02 lựa chọn: Cho người lao động nghỉ việc hoặc ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động.

Trường hợp kéo dài thời gian thử việc với người lao động không đạt yêu cầu là không đúng quy định. Thậm chí, hành vi này còn có thể khiến người sử dụng lao động bị phạt hành chính theo Nghị định 12 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động:

Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Thử việc quá thời gian quy định;

Theo đó, hành vi kéo dài thời gian thử việc có thể khiến người sử dụng lao động bị phạt từ 02 đến 05 triệu về lỗi thử việc quá thời gian quy định.

Đồng thời phía người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương cho người lao động trong khoảng thời gian vượt quá thời gian thử việc định. Thay vì nhận 85% lương, người lao động phải được trả đủ 100% lương cho công việc đó.

Thử việc không đạt, có được kéo dài thời gian thử việc không hay cho nghỉ? (Ảnh minh họa)

3. Chưa hết thời gian thử việc, cho người lao động nghỉ việc luôn được không?

Trong quá trình thử việc, người sử dụng lao động đã phần nào đánh giá, nhận định được khả năng của người lao động. Do đó mà không cần chờ đến khi hết thời gian thử việc, nhiều công ty đã cho nhân viên thử việc nghỉ sớm hơn dự kiến.

Điều này hoàn toàn được pháp luật cho phép bởi khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động định:

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Với quy định, khi cho người lao động nghỉ việc trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động thậm chí còn không cần phải báo trước và cũng không phải bồi thường cho người lao động bị cho nghỉ.

Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Có được kéo dài thời gian thử việc không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục