Nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt thế nào?

Tại mỗi cây xăng luôn có biển báo cấm sử dụng điện thoại di động. Vậy, theo quy định của pháp luật, nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt thế nào?

1. Nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt đến 5 triệu đồng?

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế của cửa hàng xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BCT, tại cây xăng phải niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy và phải có biển cấm lửa, cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Chính phủ quy định mức phạt khi nghe điện thoại ở cây xăng như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng: Mang điện thoại di động vào nơi có quy định cấm.

- Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng: Sử dụng nguồn lửa, nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng: Sử dụng thiết bị điện, điện tử ở nơi có quy định cấm.

Như vậy, theo quy định này, khi mang điện thoại di động vào nơi có biển cấm ở cây xăng, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 300.000 đồng và nếu nghe, gọi thiết bị điện tử ở nơi có biển cấm của cây xăng thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 triệu đồng cho hành vi vi phạm này.

Nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt thế nào?
Nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Dùng điện thoại ở cây xăng gây cháy nổ, bị xử lý thế nào?

Khi nghe, gọi điện thoại ở cây xăng có biển báo cấm mà gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng điện thoại ở cây xăng có biển báo cấm điện thoại thì người vi phạm có thể vừa bị phạt tiền vừa phải bồi thường thiệt hại gồm các khoản:

  • Giá trí của những loại tài sản của cây xăng bị hủy hoại hoặc bị mất, hư hỏng do sự cố cháy nổ gây ra.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác các tài sản của cây xăng bị mất, bị giảm sút do sự cố cháy nổ gây ra khiến tài sản bị mất, hư hỏng, hủy hoại.
  • Chi phí được sử dụng để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục các thiệt hại xảy ra khi có sự cố cháy nổ tại cây xăng do hành vi mang điện thoại vào cây xăng có biển báo cấm điện thoại di động và các khoản khác.

3. Vì sao nghe điện thoại ở cây xăng lại xử phạt?

Sở dĩ việc nghe điện thoại ở cây xăng bị cấm và có thể bị xử phạt bởi hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy nổ.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp sử dụng điện thoại di động, sóng điện thoại có thể tác động đến mạch điện tử làm phát ra tia lửa điện.

Dù những tia lửa điện này rất nhỏ nhưng vì hơi xăng bay và phát tán ra môi trường xung quanh nên có khả năng bén lửa rất cao. Chỉ cần có 5% hơi xăng bay trong không khí là có thể bắt lửa cháy.

Do đó, việc sử dụng điện thoại tại cây xăng là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Trên đây là thông tin chi tiết về vấn đề: Nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt thế nào? Bởi những nguy cơ do hành vi này gây ra, người dân nên thực hiện đầy đủ, đúng các cảnh báo được nêu trong biển cấm của cây xăng.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục