Có cần đính chính các loại giấy tờ khi đổi sang Căn cước công dân?

Thẻ căn cước công dân đang dần chứng minh vai trò là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng, thay thế cho Chứng minh nhân dân (CMND). Khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, có cần phải đính chính các loại giấy tờ khác hay không là thông tin được nhiều người quan tâm.


Các loại giấy tờ vẫn giữ nguyên giá trị

Thẻ căn cước công dân, cũng giống như CMND, là tấm thẻ ghi thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Từ năm 2016, thẻ Căn cước công dân được thay thế cho CMND. Hiện nay, khi bị mất, hỏng CMND hay CMND hết hạn sử dụng, công dân đều được cấp thẻ Căn cước công dân, thay vì CMND mới.

Nhiều người lo lắng về việc khi đổi sang thẻ Căn cước công dân sẽ phải đính chính các loại giấy tờ quan trọng khác như Bằng lái xe, Sổ bảo hiểm xã hội, Hộ chiếu, Sổ đỏ… Bởi trên các loại giấy tờ này đều lưu số CMND cũ.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: “Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật”. Do đó, việc đính chính số CMND trên các loại giấy tờ nêu trên là không cần thiết.

Ngoài ra, trong trường hợp công dân vẫn còn CMND cũ, khi thực hiện cấp đổi sang Căn cước công dân thì CMND cũ sẽ được cắt góc và trả lại cho công dân (theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA). Do đó, cho dù đã được cấp thẻ Căn cước công dân, công dân vẫn có thể sử dụng CMND cũ để xuất trình, đối chiếu khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến số CMND cũ.

Trong trường hợp đã bị mất CMND, công dân sẽ được cấp Giấy xác nhận số CMND. Giấy xác nhận này sẽ được sử dụng để chứng minh người có thẻ Căn cước công dân đã từng sử dụng số CMND cũ. Tuy nhiên, hiện nay, Giấy xác nhận số CMND là một tờ giấy khổ A4 nên được cho là gây ra nhiều bất tiện trong việc bảo quản, sử dụng…

Không cần đính chính các loại giấy tờ khi đổi sang Căn cước công dân (Ảnh minh họa)

Thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân

Theo Thông tư 07/2016/TT-BCA, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được quy định như sau:

Bước 1: Công dân mang theo Sổ hộ khẩu đến Công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân; Nếu còn CMND thì mang theo CMND.

Bước 2: Điền vào Tờ khai Căn cước công dân theo mẫu;

Bước 3: Cán bộ công an kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy dấu vân tay, chụp ảnh chân dung và in Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân. Công dân ký vào Phiếu, đưa lại cho cán bộ công an và nhận giấy hẹn lấy Thẻ căn cước công dân.

Trường hợp vẫn còn CMND cũ, cán bộ công an sẽ tiến hành cắt góc CMND và giao lại cho công dân.

Bước 4: Cơ quan công an cấp Giấy xác nhận số CMND cũ cho công dân và trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian ghi trên giấy hẹn. Thông thường, thời hạn cấp thẻ Căn cước công dân là từ 07 ngày đến 15 ngày, tùy từng địa phương.

Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân hiện nay là 30.000 đồng (Thông tư 331/2016/TT-BTC).

Xem thêm:

Ý nghĩa 12 chữ số trên thẻ Căn cước công dân

Một số điều cần biết về thẻ Căn cước công dân

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục