Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng gì?

Chương trình máy tính hiểu đơn giản là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác… Nếu được bảo hộ sở hữu trí tuệ, chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng gì?

Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng gì?

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể (theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Bên cạnh đó, Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:

- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

- Cách thức thể hiện thông tin;

- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Theo đó, chương trình máy tính thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế được quy đinh trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính mà không được bảo hộ dưới dạng các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng gì (Ảnh minh họa)

Vì sao chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học?

Sở dĩ chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học bởi lẽ:

- Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ và Điều 4 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) nêu rõ:

Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971).

Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Berne. Theo đó, các quốc gia thành viên Công ước Berne đều phải tôn trọng ngay lập tức quyền tác giả của chương trình máy tính vào thời điểm nó được công bố tại một trong các quốc gia thành viên nên khi chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học sẽ là một lợi thế trong quá trình hội nhập.

- Đối với một tác phẩm quyền tài sản quan trọng nhất là quyền sao chép tác phẩm, do đó việc bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm văn học sẽ  là cơ chế mạnh để ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp chương trình máy tính.

- Bên cạnh đó, bảo hộ quyền tác giả tức là không bảo hộ ý tưởng của chương trình máy tính, tức là sẽ không cản trở người sử dụng chương trình máy tính tiến hành các phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của chương trình máy tính nhằm mục đích phát triển chương trình máy tính.

Khi đó, người tiến hành phân tích ngược thành công là chủ sở hữu của chương trình máy tính mới. Việc này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm.

- Không giống như các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, khi giá trị của nó là ở việc áp dụng sản xuất sản phẩm và thu lợi từ sản phẩm đó thì phần mềm máy tính khó tạo ra một sản phẩm cụ thể.

Chính vì vậy không có đối tượng nào của quyền sở hữu công nghiệp là phù hợp để bảo hộ phần mềm máy tính, chỉ sáng chế là có khả năng nhưng đã bị loại trừ khỏi phạm vi cấp bằng bảo hộ. Việc bảo hộ phần mềm máy tính như tác phẩm văn học là hợp lý nhất.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục