Chứng khoán phái sinh: Cần hiểu kỹ 6 điều này trước khi chơi

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Sau đây là tổng hợp các thông tin cơ bản về chứng khoán phái sinh mà nhà đầu tư cần nắm rõ trước khi tham gia đầu tư.


1. Chứng khoán phái sinh là gì?

1.1. Định nghĩa chứng khoán phái sinh ở Việt Nam

Tại khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Trong đó, tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh (theo khoản 10 Điều 4 Luật Chứng khoán).

Hiểu một cách đơn giản, chứng khoán phái sinh là một hợp đồng tài chính quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Trong đó, giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai.

Chứng khoán phái sinh có một số đặc điểm nổi bật như:

- Mỗi chứng khoán phái sinh được thành lập trên tối thiểu một tài sản cơ sở và có giá trị gắn liền với giá trị của phần tài sản đó.

- Chứng khoán phái sinh không xác nhận quyền sở hữu với tài sản cơ sở mà chỉ là sự cam kết về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong tương lai giữa hai bên tham gia vào hợp đồng.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ gắn liền cùng đòn bẩy tài chính. Do đó, chứng khoán phái sinh mang tính chất chủ yếu là đầu tư vào sự biến động giá trị của tài sản chứ không phải là sự đầu tư vào một loại tài sản thực tế.

1.2. Định nghĩa chứng khoán phái sinh quốc tế

Chứng khoán phái sinh quốc tế được gọi là chứng khoán thị trường CFD (Contract For Difference) là loại chứng khoán phái sinh hoạt động trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia loại chứng khoán này áp dụng theo pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia sở tại giữa hai bên tham gia hợp đồng.

Đây là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc thanh toán tiền, chuyển nhượng tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, vàng, dầu mỏ. … Ở một mức giá cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc một ngày cụ thể trong tương lai.

Nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận dựa vào biến động giá cả của các loại sản. Trong đó, biên độ chênh lệch giá của các sản phẩm phụ thuộc vào “sức mua” và “sức bán” của chúng trên thị trường.

2.  Ví dụ về chứng khoán phái sinh

Ví dụ về chứng khoán phái sinh chiều tăng giá:

A thỏa thuận mua gạo của B với điều kiện:

  • Mua 10 tấn gạo với giá 25.000 vnđ/kg. Tổng số tiền phải trả là 250 triệu đồng

  • Kỳ hạn hợp đồng là 02 tháng.

A đặt cọc trước 30 triệu, sau 02 tháng khi đến ngày giao dịch A phải trả nốt 220 triệu đồng tiền mua 10 tấn gạo. Đến ngày thỏa thuận thì giá Gạo tăng lên 30.000 đồng/kg (Giá 10 tấn gạo là 300 triệu vnđ).

Tuy nhiên, A chỉ phải trả cho B với mức giá là 25.000 đồng/kg như đã ký kết, tức tổng 10 tấn là 250 triệu đồng. Như vậy A đã kiếm được 50 triệu đồng từ việc mua hợp đồng tương lai với tài sản là Gạo.

Ví dụ về chứng khoán pháp sinh chiều giảm giá

Giá gạo hiện tại là 25.000 đồng/kg, A dự đoán 02 tháng sau giá gạo sẽ giảm xuống 20.000 đồng/kg.

A đi vay 10 tấn gạo với giá 25.000 đồng/kg (vay mượn qua hợp đồng chứ không phải vay tài sản thực)

Sau đó A thỏa thuận bán cho B 10 tấn gạo với giá 25.000 đồng/kg và thu được 250 triệu đồng từ việc bán Gạo.

Sau 02 tháng giá gạo giảm xuống 20.000 đồng/kg như dự đoán. A thu mua lại 10 tấn gạo để trả lại cho sàn giao dịch vì trước đã vay 10 tấn gạo.

Như vậy A đã có lãi 50 triệu từ việc phân tích đúng giá gạo giảm.

3. Chứng khoán phái sinh bao gồm những loại nào?

Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán, chứng khoán phái sinh bao gồm các loại sau:

Hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch:

- Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

- Thanh toán chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch dưới đây:

- Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày cụ thể trong tương lai;

- Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch theo thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Tại Việt Nam, từ tháng 8/2017 chứng khoán phái sinh chính thức được cho phép hoạt động và đưa vào giao dịch với hình thức hợp đồng tương lai. 2 sản phẩm hợp đồng tương lai phổ biến nhất hiện nay là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ. 

3. Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh là ngày nào?

Ngày đáo hạn chứng khoán phái sinh (tiếng Anh là Expiration date) là ngày hiệu lực cuối cùng của những hợp đồng phái sinh (Hợp đồng Tương lai hoặc Hợp đồng Quyền chọn). Trước hoặc trong ngày này, nhà đầu tư phải quyết định sẽ làm gì với vị thế của mình.

Trước khi đáo hạn quyền chọn, người nắm giữ hợp đồng có thể chọn thực hiện quyền chọn, đóng vị thể ghi nhận lãi lỗ, hoặc để nguyên hợp đồng vô giá trị đáo hạn.

Khác với thị trường chứng khoán cơ sở, mỗi hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh đều có ngày đáo hạn cụ thể. Vào ngày đó, hợp đồng sẽ ngừng giao dịch và chuyển đổi thành thanh toán bằng tiền mặt.

Lúc này, khách hàng có thể mua thêm hoặc bán đi các hợp đồng này cho đến ngày giao dịch cuối cùng (tương đương với ngày đáo hạn hợp đồng). Đến ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở cửa hợp đồng đáo hạn sẽ được xem là đóng vào cuối ngày. Toàn bộ lãi/ lỗ sẽ được thanh toán vào tài khoản nhà đầu tư vào hôm sau.

Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai được quy định là thứ Năm lần thứ 3 của tháng đáo hạn hợp đồng. Trong đó, các tháng đáo hạn lần lượt là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.

Cần hiểu kỹ chứng khoán phái sinh là gì trước khi tham gia đầu tư (Ảnh minh họa)

4. Phân biệt chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở

Chứng khoán cơ sở là chứng khoán được sử dụng làm tài sản cơ sở của chứng quyền. Trong đó, khoản 6 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định:

Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Có thể phân biệt chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở qua các đặc điểm sau:

Đặc điểm

Chứng khoán cơ sở

Chứng khoán phái sinh

Thị trường giao dịch

Thị trường giao ngay

Thị trường Phái sinh, giao tương lai

Khối lượng phát hành/ niêm yết

Có giới hạn(phụ thuộc vào tổ chức phát hành)

Không giới hạn

Bán khống chứng khoán

Bị cấm hoặc bị hạn chế tại một số thị trường

Tham gia vị thế bán mà không cần có tài sản cơ sở

Số tiền cần để giao dịch

Bằng tổng giá trị chứng khoán muốn mua. Đảm bảo có đủ tiền để mua tổng số chứng khoán cần mua

Một phần giá trị chứng khoán phái sinh. Người mua/ bán sử dụng ký quỹ, đặt cọc một phần giá trị tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong tương lai

Thời điểm thanh toán/chuyển giao chứng khoán

Ngay sau khi giao dịch

Một thời điểm nhất định trong tương lai

Ngày giao dịch đầu tiên

Ngày đầu tiên chứng khoán cơ sở được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

- Ngày đầu tiên mã hợp đồng tương lai được niêm yết;

- Mã hợp đồng tương lai được tự động niêm yết sau khi một mã cũ đáo hạn

Số mã giao dịch

Mỗi mã giao dịch tương ứng với một loại cổ phiếu/ trái phiếu/ chứng chỉ quỹ niêm yết

Mỗi hợp đồng có nhiều mã giao dịch, mỗi mã giao dịch tương ứng với một tháng đáo hạn

Ngày giao dịch cuối cùng

Ngày trước khi chứng khoán cơ sở hủy niêm yết(tự nguyện hoặc bắt buộc)

- Ngày cuối cùng mã hợp đồng tương lai có giá trị và được niêm yết

- Sau ngày giao dịch cuối cùng của mã hợp đồng tương lai cũ, mã hợp đồng tương lai cũ được tự động hủy niêm yết và thay thế bằng mã hợp đồng tương lai có thời điểm đáo hạn mới.

Chu kỳ thanh toán

T+n: sau khi mua chứng khoán, nhà đầu tư chỉ có thể bán chứng khoán đó sau n ngày giao dịch

Lãi/lỗ được xác định hằng ngày. Để tiếp tục nắm giữ vị thế, bắt buộc phải đạt mức ký quỹ duy trì.

Hình thức thanh toán

Chuyển giao vật chất: bên bán có nghĩa vụ giao chứng khoán để chuyển cho bên mua

- Ít chuyển giao vật chất, nếu có thì chỉ diễn ra vào thời điểm thanh toán cuối cùng.

- Đa phần thanh toán bằng tiền: chuyển giao giá trị chênh lệch.

5. Danh sách các công ty chứng khoán phái sinh

Hiện nay, các công ty chứng khoán sau đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán, bao gồm:

- Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)

- CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI (SSI)

- CTCP Chứng khoán VPS (VPS)

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

- CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT)

- CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

- CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS)

- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)

- CTCP Chứng khoán MB (MBS)

- Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank Securities)

- Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS)

- CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

- CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

- CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

- CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

- Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)

Muốn tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư phải đến các công ty chứng khoán trong danh sách trên để thực hiện mở tài khoản chứng khoán phái sinh mới có thể tham gia giao dịch.

6. Có nên chơi chứng khoán phái sinh?

Chứng khoán phái sinh là thị trường đầu tư tiềm năng đáng để quan tâm nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Để quyết định có tham gia đầu tư hay không thì cần biết về những ưu, nhược điểm sau của chứng khoán phái sinh.

6.1. Ưu điểm của chứng khoán phái sinh

Phòng ngừa rủi ro biến động giá

Sản phẩm chứng khoán phái sinh giúp các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro biến động giá khi tham gia đầu tư.

Nếu dự đoán được giá của tài sản cơ sở sẽ tăng trong tương lai, các nhà đầu tư sẽ tham gia hợp đồng tương lai với giá tài sản cơ sở xác định tại thời điểm hiện tại. Ngược lại, nếu dự đoán được mức giá sẽ giảm, họ sẽ giảm thiểu rủi ro bằng việc bán trước hàng hóa nhờ hợp đồng tương lai.

Giao dịch linh hoạt: Phương thức giao dịch của chứng khoán phái sinh trên thị trường về cơ bản khá giống với chứng khoán cơ sở. Tuy nhiên, công cụ này còn cho phép các nhà đầu tư trải nghiệm một số tính năng linh hoạt khác.

Tính thanh khoản cao: Chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản cao hơn so với chứng khoán cơ sở.  Ngoài ra, việc định giá khối lượng và giá trị các giao dịch công khai cũng giúp minh bạch các giao dịch.

Bán khống chứng khoán: Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán phái sinh ngay cả khi không có tài sản cơ sở. Hay nói cách khác thị trường chứng khoán phái sinh cho phép các nhà đầu bán khống.

Đầu cơ: Nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận cả khi thị trường đi lên hoặc đi xuống nếu dự đoán đúng xu hướng của nó.

Lợi thế đòn bẩy tài chính: Nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ một phần tài sản là có thể giao dịch cổ phiếu có giá trị gấp 07 - 10 lần số tiền ký quỹ.

6.2. Nhược điểm của chứng khoán phái sinh

Bên cạnh những ưu điểm, nhà đầu tư cũng cần nắm rõ được nhược điểm của chứng khoán phái sinh.

Rủi ro trong chiến lược đầu cơ: Trường hợp không dự đoán đúng sự thay đổi về giá tài sản cơ sở trên thị trường thì tình trạng thua lỗ là điều không tránh khỏi. Trong đó, số tiền thua lỗ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với số vốn ban đầu.

Yêu cầu ký quỹ bổ sung: Hợp đồng tương lai có cơ chế thanh toán hàng ngày. Các khoản lỗ, lãi được hiện thực ngay trong ngày và phản ánh cụ trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư phải ký quỹ bổ sung ngay khi số tiền trên tài khoản bằng hoặc thấp hơn so với mức duy trì. Do đó, để tham gia vào chứng khoán phái sinh thì nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính. Nếu không thực hiện ký quỹ bổ sung kịp thời thì vị thế của nhà đầu tư sẽ đóng lại, thua lỗ, thậm chí có thể phá sản.

Trên đây là các thông tin cơ bản về chứng khoán phái sinh là gì và những điều cần hiểu kỹ trước khi tham gia đầu tư. Nếu có thắc mắc về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục