Chính thức: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước

Sau khi thực hiện quy trình bầu Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp 2013, kết quả bầu Chủ tịch nước đã chính thức công bố vào lúc 15h15 phút ngày hôm nay (23/10/2018).

Sáng ngày 23/10/2018, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước. Nhân sự duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài ra không có sự ứng cử và đề cử nào khác.

Vào lúc 15h15 phút, Quốc hội đã chính thức công bố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ năm 2016 - 2021. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước cũng đã chính thức được thông qua và sẽ công bố trong một vài ngày tới.

Chính thức: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước (Ảnh Internet)


Như vậy, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Việt Nam có một nhân sự vừa đồng thời là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đồng thời là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Sau khi được bầu, theo quy định của Hiến pháp, tân Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc kỳ trung thành với Hiến pháp, Tổ quốc và Nhân dân. Nội dung tuyên thệ sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể nhân dân được biết.

Trước đó, sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước. Nay, Quốc hội đã chính thức bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Do đó, kể từ thời điểm này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thay bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ vai trò Chủ tịch nước.

Theo Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có các nhiệm vụ và quyền hạn như:

- Công bố Hiến pháp, luật và pháp lệnh;

- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ;

- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng Nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch;

- Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân;

- Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài…


Xem thêm:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giữ vai trò thế nào?

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục