Năm 2020 có lẽ sẽ là năm được nhắc lại đến mãi sau này, bởi những biến động lớn trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19. Dưới đây, LuatVietnam sẽ điểm lại những chính sách pháp luật nổi bật được ban hành trong một năm đầy bão tố này.
Dưới tác động của dịch Covid-19, rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng đến đời sống, trong đó có những người lao động bị ngừng việc, mất việc làm; những người làm nghề tự do; người nghèo; hộ kinh doanh phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội…
Do đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn do Covid-19, với tổng số tiền hỗ trợ ước tính lên đến 62.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ được cho là chưa từng có trong tiền lệ.
Theo thông lệ nhiều năm trở lại đây, mức lương cơ sở luôn được điều chỉnh tăng kể từ thời điểm 01/7. Tuy nhiên, năm 2020, do những tác động tiêu cực của Covid-19, mức lương này đã không tăng.
Cụ thể, tại Nghị quyết 122/2020/QH14, Quốc hội đã chính thức thông qua việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020.
Sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 128/2020/QH14, trong đó nêu: Không tăng lương cơ sở trong năm 2021.
Như vậy, 02 năm liền, mức lương cơ sở không được điều chỉnh tăng. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cũng không được tăng lương và một số khoản phụ cấp…
Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú – loại giấy tờ quan trọng đối với mỗi cá nhân, hộ gia đình bao năm qua sẽ chính thức không còn nữa, theo quy định của Luật Cư trú 2020 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021, sẽ không cấp mới Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Sổ đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, chính thức “khai tử” Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; việc quản lý công dân được thực hiện trên nền tảng công nghệ, cụ thể là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 09 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân người nộp thuế.
Với mỗi người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Từ quy định trên một bộ phận lớn những người đang nộp thuế TNCN ở bậc 1 sẽ không còn phải nộp thuế.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Trong đó, chốt lại thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022. Đồng nghĩa, hóa đơn giấy vẫn được tiếp tục sử dụng đến ngày 30/6/2022.
Trước đó, Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ thời điểm này là ngày 01/11/2020.
Cũng theo Nghị định này, sẽ cấp hóa đơn điện tử miễn phí trong 12 tháng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh.
Năm 2020 cũng là năm có nhiều chính sách mới liên quan đến thuế, cụ thể là Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế; trong đó đáng chú ý là quy định ngân hàng phải chuyển thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng cho cơ quan thuế (Xem thêm).
Còn tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Chính phủ quy định cá nhân kinh doanh đổi số Căn cước công dân không báo cơ quan thuế sẽ bị phạt (Xem thêm)…
Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp cũng là một chính sách mới rất đáng chú ý được ban hành và áp dụng trong năm 2020.
Tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, học sinh tại các cấp học này sẽ được sử dụng điện thoại di động khi đang học trên lớp để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép (trước đây cấm hoàn toàn).
Cũng theo Điều lệ mới, học sinh không còn bị phê bình trước trường, lớp.
Trên đây là Top 7 chính sách pháp luật nổi bật ban hành năm 2020 do LuatVietnam tổng hợp. Để xem chi tiết các chính sách mới có hiệu lực từng tháng của năm 2020, bạn đọc vui lòng xem tại đây.