8 chính sách mới nổi bật ban hành trong năm 2019

Năm 2019 là năm ban hành nhiều chính sách nổi bật về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như lao động, tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức, giao thông, an ninh trật tự, giáo dục...


1. Lương tối thiểu vùng, lương cơ sở đồng loạt tăng

Trong năm 2019, nhiều chính sách về tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chính thức được ban hành. Trong đó, hai quy định nổi bật nhất là việc tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở.

- Nghị định 90/2019/NĐ-CP: Mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp tăng cao nhất đến 240.000 đồng/tháng áp dụng với vùng II và thấp nhất là 150.000 đồng/tháng áp dụng với vùng IV…

- Nghị quyết 86/2019/QH14: Quốc hội chính thức thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.  Kéo theo đó là lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng… cũng đồng loạt tăng...

Xem thêm

2. Chính thức xóa bỏ chế độ “viên chức suốt đời”

Nội dung nổi bật này nêu tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua chiều ngày 25/11/2019.

Theo đó, dự án Luật này đã sửa đổi, bổ sung quy định về các loại hợp đồng làm việc của viên chức theo hướng bỏ “chế độ viên chức suốt đời” với viên chức được tuyển dụng mới từ 01/7/2020.

Như vậy, chỉ còn 03 trường hợp vẫn có chế độ “biên chế” gồm: Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng viên chức làm việc tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 (có kèm điều kiện)…

Xem thêm: Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

3. Tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động

Từ 01/01/2021, chính thức áp dụng Bộ luật Lao động mới - Bộ luật Lao động 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019. Điều đáng chú ý, từ thời điểm này, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên.

Năm 2021, lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường sẽ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 03 tháng và theo lộ trình, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.

Tương tự với lao động nữ, năm 2021, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035…

Xem thêm: Tổng hợp toàn bộ điểm mới của Bộ luật Lao động 2019

4. Hướng dẫn mới nhất về công chức cấp xã

Hai trong số những văn bản đáng chú ý nhất năm 2019 quy định về cán bộ, công chức cấp xã phải kể đến Nghị định số 34 năm 2019 và Thông tư hướng dẫn 13/2019/TT-BNV.

Theo đó, mặc dù số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm 02 biên chế so với trước đây với từng loại xã nhưng thay vào đó có đến 05 chức danh công chức cấp xã được bố trí 02 người trở lên gồm: Văn phòng - Thống kê; Tài chính - kế toán; Văn hóa - xã hội; Tư pháp hộ tịch…

Trong khi đó, trước đây chỉ có 02 chức danh công chức Văn hóa, xã hội và Địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường (với xã) là được bố trí 02 người đảm nhiệm…

chính sách nổi bật năm 2019
8 chính sách nổi bật ban hành trong năm 2019 (Ảnh minh họa)

5. Chỉ 2 lựa chọn: Hoặc rượu bia hoặc lái xe

Việc cấm lái xe khi đã uống rượu, bia chính thức được luật hóa tại Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019 bằng quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Điều này đồng nghĩa với việc, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm hoàn toàn, cho dù uống ít hay uống nhiều, cho dù đi xe đạp, xe máy hay lái ô tô…

Xem thêm: 6 điểm mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

6. Xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính thức bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Theo đó, từ ngày 15/01/2020, khi Thông tư này có hiệu lực thì đối tượng, phạm vi điều chỉnh, hồ sơ, thủ tục đăng ký, nội dung… kiểm tra nêu tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ không còn được áp dụng nhưng những chứng chỉ đã cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng…

7. Hôn người dưới 16 tuổi bị coi là dâm ô trẻ em

Ngày 20/9/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Nội dung nổi bật của Nghị quyết này là định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô. Trong đó có những hành vi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi cũng sẽ bị quy vào Tội dâm ô trẻ em…

8. Thi GPLX ô tô phải học phòng, chống tác hại của rượu, bia 

Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, nội dung này sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2020. Cụ thể, khi thi giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1, B2 và C, các học viên phải học thêm môn học Đạo đức, văn hóa giao thông và Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đồng thời, cũng từ thời điểm này, các trung tâm sát hạch lái xe sẽ tiến hành lắp camera giám sát tại phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải.

Đây có thể coi là 08 trong số những chính sách nổi bật nhất được ban hành trong năm 2019 này...

Nguyễn Hương - Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục