Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp tại trạm thu phí BOT

Trước những bất cập xảy ra tại các trạm thu phí BOT, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành liên quan cùng phối hợp rà soát, đánh giá các dự án BOT, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng…

Tình trạng tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua các trạm thu phí BOT đã diễn ra liên tục trong vài tháng qua và trở thành đề tài nóng trên hầu khắp các mặt báo. Sự việc xảy ra chủ yếu tại các trạm thu phí lớn, có mật độ xe cộ qua lại nhiều như trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), trạm thu phí số 1 - Quốc lộ 5 (Hưng Yên), trạm thu phí Bờ Đậu (Thái Nguyên), trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An)… và mới đây nhất là tại trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai). Theo đó, để phản đối việc chủ đầu tư đặt sai vị trí trạm thu phí và thu với mức phí quá cao, các tài xế khi đi qua khu vực này đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng để trả phí. Việc trả và nhận tiền lẻ tại các trạm thu phí khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt là trong những giờ cao điểm. Không chỉ phản đối bằng cách trả tiền lẻ, nhiều tài xế còn đỗ xe chặn các làn đường khiến giao thông bị kẹt cứng, hay diễu hành, treo khẩu hiệu phản đối…

Các công trình giao thông BOT được hiểu là các công trình hình thành từ hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Sau khi hoàn thành việc xây dựng công trình giao thông, nhà đầu tư có quyền kinh doanh công trình đó trong thời gian nhất định. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Trong quá trình kinh doanh, nhà đầu tư lập nên các trạm thu phí để thu hồi vốn, bảo trì, nâng cấp công trình…

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các công trình giao thông BOT mang đến cho các vùng kinh tế, các doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, bức xúc của những tài xế hàng ngày đi trên con đường này không phải là không có lý do.

Việc trả phí để được sử dụng những dịch vụ tốt, đi trên những con đường tốt là điều tất yếu nhưng mức phí như thế nào, đặt trạm thu phí ở đâu thì lại là điều đáng để bàn đến. Và đây cũng là lý do khiến người dân và các tài xế tham gia giao thông bức xúc, phản đối. Theo phản ánh của các tài xế, nhiều trạm thu phí “mọc lên” rất vô lý, công trình BOT ở một nơi nhưng trạm thu phí lại đặt một nơi khác; khoảng cách giữa các trạm quá gần nhau; mức phí quá cao trong khi công trình đang xuống cấp; cá biệt, có những trạm thu phí cả người không tham gia giao thông trên công trình đó…

Tài xế dùng tiền lẻ để trả phí
Trước tình trạng này, tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 06/09/2017, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT...

Đặc biệt, mới đây nhất, vào ngày 02/10/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ban hành Công văn số 10409/VPCP-CN về việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại các trạm thu phí BOT giao thông. Tại Công văn này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương và chủ đầu tư liên quan, rà soát việc đặt trạm thu phí và mức thu (kể cả các dự án chưa tổ chức thu), có giải pháp xử lý thích hợp, kịp thời, trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan để không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp.

Hy vọng với những ý kiến chỉ đạo và yêu cầu nêu trên, trong thời gian tới, những vấn đề bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT sẽ được giải quyết, đem lại sự hài lòng cho tất cả các bên.

Để tìm hiểu thêm về những văn bản đã nêu, bạn đọc tham khảo:

Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2017

Công văn 10409/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại các trạm thu phí BOT giao thông

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Cấp phép cho lao động nước ngoài qua mạng: Đơn giản thủ tục để thu hút nhân lực chất lượng cao

Cấp phép cho lao động nước ngoài qua mạng: Đơn giản thủ tục để thu hút nhân lực chất lượng cao

Cấp phép cho lao động nước ngoài qua mạng: Đơn giản thủ tục để thu hút nhân lực chất lượng cao

Từ 02/10/2017, tiến hành cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng. Quy định này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của người làm thủ tục, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút nguồn lao động nước ngoài có trình độ tới làm việc tại Việt Nam và giải quyết được vấn nạn lao động “chui”.

Tiêm thuốc an thần cho heo xử phạt thế nào?

Tiêm thuốc an thần cho heo xử phạt thế nào?

Tiêm thuốc an thần cho heo xử phạt thế nào?

Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Nghị định mới nhất của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, một vụ việc vi phạm lớn vẫn xảy ra: Hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần đang nằm la liệt chuẩn bị giết mổ, nhiều vỏ lọ thuốc an thần được cơ quan chức năng phát hiện tại một lò mổ lớn ở TP.HCM.