Người tham gia giao thông nếu không đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật của phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp không có gương chiếu hậu, cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu dừng xe để xử phạt không?
Không gương chiếu hậu, chủ xe bị phạt bao nhiêu?
Gương chiếu hậu là một trong những điều kiện bắt buộc cần đảm bảo với xe máy cũng như ô tô khi tham gia giao thông. Nội dung này được quy định tại điểm e khoản 1 và khoản 2 Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008:
1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:
…
e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển...
2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.
Do đó, nếu không có gương chiếu hậu, chủ xe khi tham gia giao thông có thể bị phạt hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng với người điều khiển xe ô tô không có gương chiếu hậu (điểm a khoản 2 Điều 16);
- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng (điểm a khoản 1 Điều 17).
Đồng thời, Điều 74 Nghị định 100 cũng chỉ rõ Cảnh sát giao thông là người có quyền xử phạt hành chính người lái xe ô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu.
Như vậy, có thể thấy, người điều khiển xe máy chỉ bị phạt hành chính khi không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng. Trong khi đó, người điều khiển ô tô không gương chiếu hậu ở bất kì bên nào cũng sẽ bị phạt tiền.
Cảnh sát giao thông có được bắt lỗi không gương? ((Ảnh minh họa)
Cảnh sát giao thông có được dừng xe xử phạt lỗi không gương?
Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 ghi nhận:
Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
Cùng với đó, Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA cũng nêu rõ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong một số trường hợp:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ…
Do đó, khi phát hiện có hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng phương tiện để kiểm tra. Như vậy, Cảnh sát giao thông hoàn toàn có quyền yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm khi người lái xe không có gương chiếu hậu.
Lưu ý, Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, đồng thời các phương tiện của Cảnh sát giao thông cũng cần đảm bảo yêu cầu về dòng chữ Cảnh sát giao thông, lắp đèn, cờ hiệu công an,… theo Thông tư 65/2020.
Nói tóm lại, Cảnh sát giao thông được bắt lỗi không gương nếu người lái xe ô tô, xe máy không có gương chiếu hậu. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.>> Cảnh sát trật tự được phạt những lỗi nào theo Nghị định 100?